Vụ 3.000 tấn giá ủ hóa chất là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp
Công an phát hiện, triệt phá 6 cơ sở dùng chất cấm để sản xuất giá đỗ. |
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường liên quan đến vụ việc phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã bán ra thị trường trong năm 2024 tại Đắk Lắk, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm.
"Lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm theo dõi lưu thông và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát. Trước diễn biến vụ việc 3.000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường theo dõi chặt để kiểm soát" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ.
Liên quan đến vụ sản xuất giá đỗ bằng hóa chất, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can cùng sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để điều tra về tội "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm". Theo cơ quan điều tra, sau khi đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 20.357kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, chỉ cần hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhi nhẹ ký, não úng thuỷ và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Theo điều tra, trong năm 2024, nhóm đối tượng của 6 cơ sở đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn. Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh. Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Ngay sau vụ việc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin liên quan. Trong đó, thông tin rõ về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm do địa phương thực hiện đối với các cơ sở vi phạm; các biện pháp xử lý; yêu cầu truy xuất triệu hồi và báo cáo kết quả thực hiện.
Tình trạng "đá bóng" trách nhiệm
Sản phẩm nhiễm hóa chất cấm cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày. |
Trao đổi với PLO, các cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm, có tình trạng "đá bóng" trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đắk Lắk giải thích rằng, sản phẩm lưu hành hợp pháp cần được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp mã số, mã vạch. Tuy nhiên, nếu xảy ra khiếu kiện hoặc tranh chấp, Sở Khoa học - Công nghệ mới tiếp nhận và hướng dẫn xử lý.
Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, công tác hậu kiểm, kiểm tra sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các siêu thị hay không thuộc trách nhiệm của đơn vị cấp phép.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Tuấn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản - thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, xác nhận đơn vị này đã cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm giá đỗ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (một trong các đơn vị làm giá đỗ bẩn) vào tháng 4/2024 trong thời hạn 3 năm. Sau một năm cấp giấy chứng nhận, Chi cục sẽ kiểm tra lại điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, mỗi năm Chi cục chỉ được kiểm tra một lần, không có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên.
"Đơn vị của tôi chỉ cấp chứng nhận cho Công ty Lâm Đạo bán giá đỗ, nhưng chỉ trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói. Còn việc kiểm tra sản phẩm đã ra thị trường, nếu bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh phải do Sở Công Thương chủ trì, thành lập đoàn mới thanh tra, kiểm tra được. Thanh tra Sở NN&PTNT chỉ được kiểm tra ở chợ đầu mối Tân Hòa", ông Hưng chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết - hoạt chất 6-benzylaminopurine thực chất là chất kích thích tăng trưởng tế bào, giúp kích thích tăng trưởng thực vật. Khi sử dụng hoạt chất này vào làm giá đỗ sẽ rút ngắn thời gian sản xuất, giúp cọng giá đỗ trắng, mập và bắt mắt người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng giá đỗ được ủ bằng hoạt chất 6-benzylaminopurine sẽ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe. Nếu ăn với số lượng ít hóa chất sẽ tích tụ trong người, gây biến đổi gen, mắc nhiều bệnh. Còn sử dụng số lượng nhiều hoặc trực tiếp có thể gây ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong. Theo đó, khi hít hoặc ăn phải thực phẩm có chứa hoạt chất 6-benzylaminopurine, có thể gây viêm phổi, làm nặng thêm bệnh phổi mãn tính, xơ phổi; với phụ nữ mang thai tiếp xúc chất này có thể khiến thai nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Trường hợp tiếp xúc ngoài da cũng rất nguy hiểm, có thể gây viêm da, hoặc văng vào mắt có thể gây viêm kết giác mạc. Nếu ăn nhiều có thể gây ngộ độc, tử vong. |