Giá đỗ Lâm Đạo bán trong Bách Hoá Xanh - Ảnh: Bách Hoá Xanh |
Ngày 28/12, Bách Hoá Xanh thông báo sẽ hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho các khách hàng cung cấp hóa đơn (giấy hoặc điện tử) ghi nhận mua giá đỗ Lâm Đạo.
Trong trường hợp mất hóa đơn giấy, khách hàng vẫn có thể tra cứu hóa đơn điện tử trong lịch sử giao dịch trên ứng dụng của hệ thống. Ngoài việc hoàn tiền, khách hàng cũng có thể lựa chọn đổi sang các sản phẩm khác.
Theo Bách Hóa Xanh, giá đỗ từ nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng giá đỗ bán ra của hệ thống. Hãng khẳng định toàn bộ sản phẩm nhập vào đều tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý. Tuy nhiên, sự cố liên quan đến nhà cung cấp này đã khiến chuỗi siêu thị ngay lập tức thu hồi toàn bộ sản phẩm liên quan và ngừng hợp tác với Lâm Đạo. Đồng thời, hệ thống cũng kiểm nghiệm lại toàn bộ sản phẩm giá đỗ đang bày bán để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ chứa hóa chất tại 6 cơ sở sản xuất ở thành phố Buôn Ma Thuột. Theo điều tra, khoảng 2.900 tấn giá đỗ bẩn đã được tiêu thụ trong năm 2024. Riêng nhà cung cấp Lâm Đạo bán ra 8-10 tấn mỗi ngày, trong đó cung cấp khoảng 350-400 kg/ngày cho Bách Hóa Xanh.
Hóa chất được sử dụng trong giá đỗ là 6-Benzylaminopurine, một hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm theo Thông tư 09 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Thực vật khẳng định, hóa chất này chỉ được phép dùng cho thực vật nhằm tiêu diệt sinh vật gây hại, không được phép sử dụng để ngâm tẩm thực phẩm. Việc sử dụng sai mục đích này vi phạm quy định và có thể bị xử phạt.
Hóa chất này tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy, các dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi, thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng trong vụ việc phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm và cung cấp 350-400kg/ngày cho hệ thống Bách Hóa Xanh, trách nhiệm pháp lý của chuỗi siêu thị này cần được xem xét dựa trên các quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm của nhà phân phối.
"Bách Hóa Xanh có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu cơ quan chức năng chứng minh được doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đầu vào dẫn đến việc tiêu thụ giá đỗ chứa chất cấm", vị luật sư chia sẻ.
Theo ông, mặc dù Bách hóa Xanh khẳng định đã yêu cầu các giấy tờ pháp lý liên quan từ nhà cung cấp và kiểm nghiệm sản phẩm đầu vào, nhưng việc sản phẩm vẫn chứa chất 6-Benzylaminopurine bày bán trong siêu thị cho thấy quy trình kiểm soát chất lượng có thể chưa được thực hiện chặt chẽ.
"Nếu khách hàng chứng minh được đã mua và tiêu thụ sản phẩm không an toàn từ Bách Hóa Xanh dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự", ông Tùng khẳng định.
Bộ NN-PTNT yêu cầu báo cáo vụ gần 3.000 tấn giá đỗ "ngậm" chất cấm Sau khi nắm được thông tin cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và khởi tố một số cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm/ngoài danh mục được phép sử dụng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc, bao gồm thông tin về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm do địa phương thực hiện đối với các cơ sở vi phạm; các biện pháp xử lý; yêu cầu truy xuất triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay. Báo cáo gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trước ngày 30-12-2024. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra truy xuất, xử lý vi phạm khi có đề nghị phối hợp trong phạm vi, chức năng quản lý. Cùng với đó, các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn các quy định và biện pháp kiểm soát, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các nhiệm vụ đã được phân cấp cho cơ quan quản lý huyện, xã trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm theo phân cấp. |