Vĩnh Long: Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch Vĩnh Long: Nhiều triển vọng từ giống lúa tím Master Ruma Vĩnh Long: Có một 'Vương quốc' gạch ngói Mang Thít |
Du lịch hiện đang là ngành kinh tế tổng hợp có tác động tích cực cho ngành dịch vụ phụ trợ cùng phát triển, góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quảng bá nét đẹp vùng đất - con người Vĩnh Long đến bạn bè trong và ngoài nước, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
![]() |
Nằm giữa hai dòng sông lớn là Hậu Giang và Tiền Giang, Vĩnh Long được ví như hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long |
Vĩnh Long là tỉnh ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu thơ mộng, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng như: khí hậu trong lành mát mẻ, kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, đất đai được phù sa bồi đắp, cây trái bốn mùa sum suê, nơi giữ gìn nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;đặc biệt, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện, cơ sở lưu trú ngày càng đảm bảo, nâng cao chất lượng,…rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn,…
Thời gian qua, Vĩnh Long khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu, sẵn có của địa phương như: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, khai thác tập trung tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ, cù lao Mây huyện Trà Ôn, cù lao Dài huyện Vũng Liêm, gắn với tham quan vườn cây ăn trái, cùng trải nghiệm cuộc sống cộng đồng của người dân địa phương như: chèo xuồng, chài lưới, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ thả hồn theo phong cảnh cây trái nên thơ, hữu tình ở một miền quê sông nước yên bình.
![]() |
Đến Vĩnh Long có nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn làm du lịch, phong phú về loại hình để du khách chọn lựa |
Bên cạnh đó, kết hợp với việc tham quan các di tích, công trình kiến trúc văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh (sản phẩm du lịch văn hóa), như: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Văn Thánh Miếu, chùa Tiên Châu,…Cùng với đó, tham quan các làng nghề truyền thống ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh như: sản xuất gạch, gốm; hoa kiểng; cây giống; đan thảm, lục bình; trồng lát và se lõi lát; nghề bánh tráng giấy và bánh tráng nem,...
Về ẩm thực và đặc sản của tỉnh có cam sành (Tam Bình), bưởi 5 Roi, thanh trà (Bình Minh);khoai lang (Bình Tân);xoài cát núm, măng cụt, bòn bon (Vũng Liêm); chôm chôm (Trà Ôn); nhãn, sầu riêng, chôm chôm,... (Long Hồ). Các món ăn đồng quê như:cá Lóc nướng trui, khoai lang chấm mắm sống, cá chạch kho nghệ, cháo gà,... thưởng thức cùng với rượu Hòa Hiệp (Tam Bình), rượu Sơn Đông hay còn gọi là rượu Cái Sơn (Long Hồ),… tạo nên nét văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ.