Từ thế kỷ VIII, vùng biển Vân Đồn đã có thuyền buôn Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cổ đại như Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, Tam Phật Tề qua lại buôn bán.
Khởi đầu của Thương cảng Vân Đồn gắn với sự kiện “Trang Vân Đồn” được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ.
|
Thời kỳ này, nhà Lý đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương, phát triển đất nước nên hoạt động giao thương buôn bán tại Thương cảng Vân Đồn đã phát triển cực thịnh.
Sang thời Trần, thời kỳ đầu hoạt động buôn bán ở Thương cảng Vân Đồn vẫn phát triển mạnh và mở rộng quan hệ với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Chà Bồ, Phi-líp-pin và các nước châu Âu. Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, chùa Vụng Cây Quéo, chùa Vụng Chuồng Bò, Bảo Tháp ở khu vực Cống Đông (nay thuộc xã Thắng Lợi) để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật.
Thời kỳ sau, do các cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, các vua Trần đã đưa ra những chính sách hạn chế ngoại thương làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán tại Vân Đồn.
Thời Lê, sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương, đặc biệt là sự kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán tư thương. Tuy hoạt động thương mại ở Vân Đồn giảm sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam.
![]() | |
|
Thời Mạc, với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại Thương cảng Vân Đồn lại được hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện (Cống Tây, xã Thắng Lợi), xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước.
Thời Hậu Lê, hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, nay thuộc xã Quan Lạn.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp… được vào sâu trong nội địa buôn bán đã làm cho thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Tuy nhiên qua những đồ gốm sứ tìm thấy tại Vân Đồn thời nhà Thanh (Trung Quốc) và Việt Nam cùng thời, đặc biệt là tiền đồng thời Tây Sơn (TK XVIII) cho thấy thời kỳ này hoạt động buôn bán ở Vân Đồn vẫn được diễn ra.
Thời Nguyễn, Thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương cho sản xuất nghề cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước.
Đảo Cống Đông trở thành trung tâm hành chính của huyện Nghiêu Phong với tên gọi “Cống Đông thập bát xã” hay “Vụng huyện”. Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của khu thương cảng Vân Đồn xưa không còn nữa. Hiện nay, trong lòng đất, trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ vỡ hay nguyên vẹn, nhiều nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Bến Cống Đông - Cống Tây (xã Thắng Lợi) và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) thuộc các bến thuyền cổ thương cảng Vân Đồn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 592003QĐ-BVHTT, ngày 29/10/2003. |