Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị trong tình trạng ho, sốt, đờm đặc màu xanh, vàng, mệt mỏi, khó thở. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy chị bị viêm phổi thùy trên bên phải.
Trước đó, chị đã điều trị tại bệnh viện huyện trong 4 ngày nhưng không cải thiện, vẫn mệt mỏi, sốt cao, ho nhiều, nên quyết định lên Hà Nội để thăm khám.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bệnh đáp ứng kém với điều trị ban đầu tại tuyến dưới, dù đã được tiêm kháng sinh nhưng tình trạng không cải thiện. Nguyên nhân có thể do trước đó, bệnh nhân đã tự ý dùng thuốc không rõ loại tại nhà trong vài ngày, khiến bệnh diễn tiến nặng hơn khi nhập viện.
![]() |
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc long đờm. |
Chị T được điều trị bằng thuốc long đờm, kết hợp nâng cao thể trạng và phục hồi chức năng hô hấp. Sau 7 ngày, sức khỏe ổn định và chị được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, ho và sốt là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi... Việc tự ý dùng thuốc mà không xác định đúng nguyên nhân có thể khiến người bệnh bỏ lỡ "thời điểm vàng" để điều trị, dẫn đến bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ suy hô hấp, suy tuần hoàn, thậm chí tử vong.
Lạm dụng kháng sinh còn làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Dùng thuốc không đúng liều lượng hoặc không phù hợp với tình trạng sức khỏe có thể khiến gan và thận – hai cơ quan chính giúp chuyển hóa và đào thải thuốc – bị quá tải. Đặc biệt, thuốc hạ sốt như paracetamol nếu sử dụng quá liều có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến suy gan cấp.
Ngoài ra, bất kỳ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây nổi mề đay, khó thở, thậm chí sốc phản vệ, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo, nếu ho, sốt kéo dài hơn 2-3 ngày hoặc kèm theo dấu hiệu bất thường như khó thở, đau ngực, mệt mỏi nhiều, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách, tránh tự ý dùng kháng sinh hoặc các thuốc giảm ho, giãn phế quản khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trong thời tiết nồm ẩm, mưa lạnh kéo dài, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp và tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu để tăng cường đề kháng.
![]() |
![]() |
![]() |