Yên Bái: Phát triển cây quế thành cây chủ lực của địa phương Cây quế Việt Nam trên lộ trình khẳng định thương hiệu Trồng cây rừng tỏa hương thơm quý từ rễ đến lá, xã vùng cao thu tiền tỷ mỗi héc ta |
![]() |
Cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế |
Cây quế là một loài cây nhiệt đới thích hợp trồng ở các vùng ẩm, mưa nhiều, ưa đất sét pha cát, dễ thoát nước. Hiện nay, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế hộ gia đình ở một số địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang. Để nâng cao năng suất và chất lượng cây quế góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao người trồng cần lưu ý một số kỹ thuật dưới đây.
Thời vụ trồng
Vụ Xuân Hè: Là vụ trồng chính, khi thời tiết thuận lợi mưa nhiều bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu thời tiết mát, mưa kéo dài có thể kết thúc trồng vào trung tuần tháng 6.
Vụ Thu: Trồng vào tháng 8 và tháng 9.
Chọn giống
Có thể trồng quế bằng cây gieo từ hạt hoặc chiết cành, song kinh nghiệm cho thấy cây chiết cho vỏ rất mỏng, hàm lượng tinh dầu thấp, do vậy phương pháp nhân giống từ hạt vẫn được áp dụng phổ biến.
Thu hái hạt giống: Tuổi cây giống từ 15 năm trở lên, sinh trưởng tốt, không bị bóc vỏ hoặc chặt cành lá, không bị sâu bệnh. Hàng năm khoảng cuối tháng 12 sang đầu tháng Giêng quả quế đã già và sắp chín. Thường mùa Thu hái rộ là tháng 2 - 3. Hạt lấy về rửa sạch lớp vỏ thịt ở ngoài, hong cho hạt ráo, tốt nhất sau khi xử lý hạt đem gieo ngay.
Trường hợp cất trữ thì phải đem phơi khô nhưng tránh nắng to, rồi trộn với cát hơi ẩm theo tỷ lệ 1 hạt/2 cát, chỉ có thể để được 1 tháng. Trong thời gian bảo quản hạt phải đảo hạt 2 ngày/lần.
Chuẩn bị đất trồng
Chọn nơi đất xốp pha cát, tránh phù sa. Đất trồng rừng quế phải chọn chỗ đất dốc thoai thoải về phía mặt trời và có đủ ánh sáng. Trước khi trồng cần phải làm đất toàn bộ, làm cỏ sạch sẽ.
Đào hố rộng khoảng 1 m, sâu khoảng 67 cm, mỗi hố bón khoảng 15 kg phân rác và phân chuồng làm phân bón lót.
![]() |
Có thể trồng quế bằng cây gieo từ hạt hoặc chiết cành |
Kỹ thuật trồng
Trồng rừng hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, không nên trồng rừng vào những trận mưa nhỏ đầu tiên trong năm vì khi đó đất chưa đủ ẩm và chưa nắm chắc được thời tiết. Khi mưa đã có nước ngấm đều xuống đáy hố thì mới trồng.
Nên trồng cây vào những ngày trời râm mát, có mưa nhỏ, lặng gió và đất đủ ẩm. Không trồng cây vào những ngày mưa to gió lớn.
Hạt giống được sàng sạch cát. Sau đó cho hạt vào rổ đãi, vò hạt trong nước lạnh để loại bỏ hết hạt lép, hạt nổi… rồi hong hạt trong bóng dâm cho hạt se bớt nước. Hạt này có thể gieo ngay hoặc tiếp tục ngâm nước ấm 30 - 40oC trong 3 giờ. Vớt hạt ra để ráo nước, rồi ngâm hạt trong thuốc tím nồng độ 0,1% trong 15 phút, vớt ra ủ hạt trong cát ẩm (10 - 12%), tỷ lệ 1 hạt/2 cát.
Thường xuyên kiểm tra và tưới nước đủ ẩm cho hạt đến khi hạt nứt nanh thì mang đi gieo. Nên chọn những hạt nứt nanh đem gieo trước, những hạt còn lại tiếp tục ủ đến khi nứt nanh mới mang đi gieo.
Gieo mỗi hạt cách nhau 3 - 4 cm. Lấp đất sâu khoảng từ 12 - 15 mm, sau đó phủ mặt luống bằng rơm rạ đã khử trùng bằng nước vôi.
Giữ ẩm cho đất, đặc biệt trong những ngày mới gieo. Khi cây mọc được 2 hoặc 3 lá thì xới đất và làm sạch cỏ. Bón thúc cho cây 1 - 2 lần.
Khi cây được 1 - 1,5 tuổi sẽ tiến hành trồng. Cây con đạt tiêu chuẩn có chiều cao đạt từ 25 - 30 cm, đường kính gốc lớn lớn hơn 3 mm, cây có từ 5 - 7 lá. Cây có 1 thân, thân thẳng, xanh tốt không bị cụt ngọn và không bị sâu bệnh hại.
Thời điểm thích hợp để trồng cây là vào vụ Xuân. Bạn có thể trồng vào mùa Thu nhưng tránh những đợt mưa. Đất trồng phải đủ ẩm và kích thước trồng khoảng 40 x 40 x 40 cm.
Trong quá trình cây phát triển sẽ tiến hành dọn cỏ, dọn dây leo và cây bụi xâm lấn. Giữ đất ẩm và chống xói mòn sau khi trồng.
Khi quế được 3 - 4 tuổi, có nhiều cây đâm cành, vì vậy vào mùa Đông hoặc đầu Xuân cần tỉa bớt cành thấp, để cây cao thẳng sau này bóc được nhiều vỏ. Công việc này cần thận trọng tránh sây sát vỏ cây.
Trong quá trình chăm sóc phải điều chỉnh độ tàn che cho cây Quế đến năm thứ 4 cây được phơi ra ánh sáng hoàn toàn.
Rừng trồng được chăm sóc 7 lần trong 4 năm.
Đối với rừng trồng vụ Xuân Hè: Từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 chăm sóc mỗi năm 2 lần, năm thứ 4 chăm sóc 1 lần.
Đối với rừng trồng vụ thu: Năm thứ nhất chăm sóc 1 lần, từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 chăm sóc mỗi năm 2 lần.
Nông dân Tuyên Quang thu nhập ổn định từ cây quế
![]() |
Rừng quế của gia đình anh Lương Trung Thư có tuổi đời 12 năm |
Gia đình anh Lương Trung Thư ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 5 ha quế, trong đó có 3 ha quế có tuổi đời trên chục năm. Cách 2 năm, gia đình anh lại tỉa cành, bóc vỏ bán 1 lần. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng từ tỉa cành, bóc vỏ quế. Anh Thư cũng có một vườn ươm cây quế giống để cung cấp cho người dân địa phương.
Ông Lương Văn Nghĩa, người cao tuổi ở thôn Cường Đạt, xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết, gia đình ông trước đây chỉ có 2 ha quế được trồng từ rất lâu rồi. Khi quế được 5 năm tuổi, gia đình ông bắt đầu tỉa cành, bóc vỏ bán cho thương lái thu mua với giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg vỏ tươi và từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/bó cành tươi. Tùy vào năm tuổi của quế, độ dày của vỏ quế mà giá thu mua sẽ cao hay thấp. Tính trung bình từ bán vỏ quế, cành quế tươi, gia đình ông cũng thu về 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ha/năm. Ông cũng vận động gia đình con, cháu, hàng xóm xung quanh nhân rộng việc trồng và chăm sóc cây quế.
Ông Lương Văn Nghĩa cũng cho biết thêm, đất đai, thổ nhưỡng ở thôn Cường Đạt ẩm ướt, mềm nên rất thích hợp với cây quế. Cây quế trồng ở đây lá xanh mướt, hương vị quế thơm, cay nồng. Bởi vậy, các thành phẩm từ quế ở Cường Đạt được thương lái nhiều nơi ưa chuộng, tìm đến thu mua. Cùng với đó, trồng quế không phải đầu tư nhiều, quế trồng đến năm thứ 3 là không phải làm cỏ. Khi quế mới đưa vào trồng có thể tận dụng đất để trồng cây màu ngắn ngày, tạo bóng mát cho quế để quế phát triển nhanh hơn. Từ chỗ cây quế chỉ cho thành phẩm bán lẻ của một vài hộ gia đình, là nguồn thu phụ, đến nay, cây quế đã bén duyên, mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Cường Đạt.
Bà Lương Thị Oanh ở xã Tân Long chia sẻ, cứ tháng 3, tháng 8 hàng năm là bắt đầu vào vụ thu hoạch cành và vỏ quế. Một năm, người trồng quế thu hoạch vỏ quế và tỉa cành quế vào hai đợt, đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 10. Đây là hai thời điểm, vỏ quế dóc, khô và dễ bóc nhất. Gia đình bà có 6 ha quế có tuổi đời 8 năm. Vài năm trở lại đây, mỗi năm gia đình bà thu từ 70 đến 80 triệu tiền bán vỏ quế, cành quế. Giá trị kinh tế từ cây quế sẽ cho cao hơn khi người trồng quế chịu khó chăm sóc và quế có tuổi đời lâu. Vì thu nhập ổn định nên gia đình bà cũng vừa phá bỏ 1 ha tre già cỗi để trồng thêm quế.
Là hộ dân trồng quế lâu năm ở thôn Cường Đạt, ông Nguyễn Văn Năm cho biết, trồng quế không lo bị thua lỗ, mất mùa, càng trồng lâu năm quế càng có giá trị. Gia đình ông vừa khai thác 1 ha quế với 300 cây quế có tuổi đời gần 20 năm tuổi, thu về 700 triệu đồng. Từ trồng quế, gia đình ông Năm có thu nhập để xây nhà cao tầng, ổn định cuộc sống.
![]() |
![]() |
![]() |