Điểm nhấn thu hút dòng vốn FDI
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, Việt Nam có lợi thế về vị trí chiến lược, môi trường đầu tư thân thiện, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí sản xuất thấp, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao, giá nhân công cạnh tranh, chính sách đầu tư cởi mở và có nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài; đặc biệt là việc ứng phó linh hoạt, thành công trong kiểm soát Covid-19 và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. |
Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên với khoảng 60 nền kinh tế và đang đàm phán, tiến tới ký kết FTA với EFTA (Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), Israel.
Gần đây, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail bin Mohammed Al Mazrouei cho biết Chính phủ UAE mong muốn hai nước có thể ký FTA trong năm 2023.
Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực, chủ động, tích cực tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu cấp thiết mang tính toàn cầu hiện nay.
Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết duy trì ổn định chính trị- an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách; sẽ tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, dễ tiên liệu và có tính cạnh tranh cao trong khu vực, song hành với nổ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
Điều đặc biệt nữa là người lao động Việt Nam thân thiện, cởi mở, cần cù, sáng tạo, có tinh thần hợp tác, ưa chuộng các sản phẩm do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất…
Những tín hiệu khả quan về dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD. Dự báo năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam có thể đạt con số ấn tượng 38 tỷ USD.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Origin Manufactures Vietnam (doanh nghiệp FDI Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Ðồng Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Riêng trong tháng 1/2023, có 153 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thông tin, kết quả khảo sát hơn 1.300 doanh nghiệp EU, có đến 41% doanh nghiệp cho biết đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và khoảng 35% doanh nghiệp đánh giá Việt Nam nằm trong top 5 điểm đầu tư hấp dẫn nhất. Ngoài ra, Sách Trắng EuroCham 2022-2023 trích dẫn kết quả khảo sát, có đến 1/4 các công ty nước ngoài (châu Âu) đã chuyển hoạt động của doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tương tự, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, thông tin về kết quả khảo sát 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách cần mở rộng hoạt động và trong số các điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng vốn ấn tượng, đạt 45%.
Ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung tại buổi gặp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam chiều 13/4/2023, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Samsung xác định, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu mà còn hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm của các trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu của Tập đoàn”. Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 20 tỷ USD, có số công nhân lên đến 100.000 người.
Trong khi đó, theo ông John Rockhold- Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam; có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi "chảy" vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistic, cơ sở hạ tầng... của Việt Nam.
Mới đây, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) Ted Osius cùng lãnh đạo hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ như: Boeing, Apple, Coca-Cola, Pfizer, Abbott, Visa, Citibank, Meta, Ford, Netflix, SpaceX, Amazon, AES… cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, xem đây là thị trường chiến lược.
Với nhà đầu tư Trung Quốc, từ năm 2019, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tại Việt Nam để sản xuất rất lớn. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên cả nước đang có xu hướng tăng, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để phục vụ những đối tác của họ ở châu Âu, châu Mỹ… đã chuyển đến đây trước đó.
“Các yêu cầu từ các doanh nghiệp Trung Quốc về đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân trong quý cuối cùng của năm ngoái. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể”, ông Michael Chan, Giám đốc cấp cao về cho thuê của công ty chuyên gia bất động sản công nghiệp BW Industrial Development, cho biết.
Gần đây, có thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội suy diễn thiếu căn cứ, bịa đặt, cho rằng: “Samsung chính thức chuyển dây chuyền từ Việt Nam qua Ấn Độ”, “giới kinh doanh nước ngoài không có thay đổi lớn nào trong đầu tư vào Việt Nam", "sự không chắc chắn về tình hình chính trị”... hoặc đưa ra bức tranh tối về thu hút dòng vốn FDI, hòng gây mất niềm tin trong nhân dân, hoang mang, lo lắng trong số công nhân đang làm việc tại một số doanh nghiệp nước ngoài…, không loại trừ những thông tin xấu độc dạng như vậy sẽ còn tiếp diễn, người dân cần cảnh giác.