Người chăn nuôi ở Bình Định vượt ‘bão giá’ tăng tốc phát triển đàn bò, đàn gà, đàn heo Giá trâu giảm gần một nửa, người nuôi trâu ở Quảng Ngãi lỗ nặng |
Giá trâu bò giảm mất một nửa người chăn nuôi rất khó khăn. Ảnh minh họa. |
Trâu bò về chợ giảm sút, giá mất một nửa
Chợ Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn là một trong những chợ trâu, bò lớn nhất ở miền Bắc. Trước năm 2020, tức trước khi có dịch Covid-19 xảy ra và bùng phát trên toàn cầu, mỗi phiên chợ có trung bình trên 1.500 - 2.000 con trâu, bò tập trung từ khắp nơi về đây mua bán. Nhưng nay số lượng đã giảm xuống khoảng 1 nửa, trung bình chỉ đạt 800 - 900 con.
Đáng nói nhất, chợ Nghiên Loan trước đây có tỷ lệ trâu, bò của người dân trong xã chiếm tới 20%, song phiên gần nhất (ngày 19/11) chỉ còn 5%. Lý do, bà con trong xã Nghiên Loan chủ yếu chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo, mua con gầy về, xong béo lên thì bán kiếm lời, nhưng nay, giá trâu, bò giảm xuống rất thấp, mỗi kg hơi chỉ khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg hơi, còn trước đây đạt tới 105.000 - 110.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cám và thức ăn khác vẫn cao dẫn tới thua lỗ, người dân không nuôi nữa.
Bà Lý Thị Thuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết: Trước đây, một lượng lớn trâu, bò được thu mua vận chuyển để xuất sang Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, do chính sách phòng dịch nên phía Trung Quốc không nhập nữa, ngay cả người dân ở các huyện của tỉnh Cao Bằng như Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình cũng phải mang về chợ Nghiên Loan tiêu thụ. Giờ chỉ xuất bán cho tư thương về các tỉnh miền xuôi như Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương,… họ ép giá xuống như vậy.
Chợ Nghiên Loan, chợ trâu, bò lớn nhất miền Bắc có mức giao dịch chỉ bằng 50% so với trước khi có dịch Covid-19 vào năm 2020. |
Người chăn nuôi trâu, bò thua lỗ nặng
Không chỉ có người chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ do giá trâu, bò xuống thấp và dừng việc chăn nuôi, mà ngay cả các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng rơi vào tình trạng này. Việc chăn nuôi trâu, bò thương phẩm rơi vào tình trạng mua vào thì cao, nhưng bán ra lại thấp. Đặc biệt là các loại bò nhập khẩu và các loại bò lai khác.
Trang trại của anh Nguyễn Trọng Thắng, ở tổ dân phố Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn là một ví dụ điển hình. Hiện trang trại có hơn 170 con bò lai có nguồn gốc từ Anh, Pháp, Mỹ, Úc và New Zealand. Phần lớn số bò này là bò sinh sản và bê con. Do giá thành thấp, vì vậy cơ bản bò đực anh xuất bán thịt, còn bò cái anh giữ lại làm bò sinh sản.
Anh Thắng cho biết, do tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi và làm chủ được cách nhân giống nhân tạo nên mới có thể duy trì được trại bò. Bò đực thương phẩm có đầu ra là bán về các thành phố rất dễ, nhưng giá thấp vẫn phải bán để còn nguồn thu trả tiền nhân công và quay vòng vốn. Cũng mong muốn thị trường Trung Quốc sớm mở cửa trở lại để giá trị quay trở lại. Chứ giờ giá trâu, bò hơi giảm sâu và thấp hơn cả giá thịt lợn hơi.
A Thắng mong muốn thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại để giá trị trâu, bò trở lại như trước. |
Việc Trung Quốc chưa mở cửa khiến cho tình trạng trâu, bò phải quay ngược từ vùng biên về xuôi xảy ra, đó là vấn đề xảy ra tại các huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng như Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Thạch An. Trước đây trâu, bò trên cả nước dồn về các địa phương này để chờ xuất sang Trung Quốc, nhưng giờ thì ngược lại.
Ông Lã Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Do phía Trung Quốc đóng biên với trâu, bò, nên loại mặt hàng này đến tuổi, phải xuất bán về các tỉnh miền xuôi. Giá trâu, bò tại địa phương rất rẻ, những con trâu trước được khoảng 60 triệu giờ chỉ còn một nửa, hay những con bò trước phải 20 - 25 triệu, giờ bị ép giá xuống còn 9 - 10 triệu.
Vì vậy, chính quyền địa phương và người chăn nuôi nên rất mong muốn thị trường Trung Quốc sớm mở cửa, để việc sản xuất, kinh doanh của địa phương phát triển khởi sắc trở lại. Không chỉ là chăn nuôi trâu, bò, mà còn có cả dê, ngựa, hay những mặt hàng nông sản khác xuất khẩu được, qua đó nâng cao giá trị sản xuất kinh tế nói chung./.