Tăng trần giá vé máy bay có hiệu lực từ tháng 3. |
Tăng trần giá vé máy bay có hiệu lực từ tháng 3
Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ hôm nay, 1-3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều.
Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280 km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.
Theo một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19.
Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỉ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu thì giá vé sẽ hạ.
"Việc áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng đã mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng" - cán bộ Cục Hàng không Việt Nam nói.
Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, lần điều chỉnh trần giá vé máy bay gần đây nhất là vào năm 2015. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong gần 10 năm qua, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỉ giá. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1-3 là điều kiện để các hãng bù đắp chi phí và là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá vé trên hệ thống các đường bay nội địa.
"Giá vé máy bay hiện nay được thực hiện theo cơ chế linh hoạt, tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé... Dù tăng trần giá vé máy bay nội địa song mặt bằng giá năm nay sẽ tương đương năm ngoái. Riêng mùa hè 2024, hãng sẽ áp dụng chính sách giá ở mức tối ưu trong quy định giá trần" - lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.
Đại diện Vietravel Airlines cũng cho rằng khung giá hiện tại trên các chặng bay nội địa chưa bảo đảm chi phí vận hành, hiệu suất lợi nhuận trong dài hạn. Thực tế, đợt cao điểm Tết năm 2024 ghi nhận nhu cầu tăng cao nhưng thị trường vận tải hàng không nội địa vẫn giảm 13% so với năm trước.
Theo Vietravel Airlines, những diễn biến mới của thị trường và khả năng cung ứng của các hãng có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay trong năm nay. Việc tăng giá trần giúp các hãng hàng không cân đối được các khoản chi phí trực tiếp và gián tiếp, bảo đảm hoạt động khai thác trong dài hạn.
Thách thức lớn cho thị trường du lịch nội địa
Du lịch nội địa sẽ gặp khó. |
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá việc các hãng hàng không ồ ạt cắt, giảm hầu hết các đường bay ngách, đường bay lẻ tạo ra thách thức rất lớn cho thị trường du lịch nội địa trong năm nay. Du lịch không phải nhu cầu thiết yếu, khách năm nay không đi, để chờ giá vé hạ rồi năm sau đi cũng không sao. Vì thế, trước mắt có thể thấy ngay thị trường du lịch trong nước đi bằng đường hàng không sẽ khó khăn. Các hãng hàng không hoàn toàn ý thức được tác động nhưng do cung - cầu thị trường, chuyến bay giảm, giá cao vẫn đầy khách thì không thể yêu cầu họ giảm giá vé được. Vì thế, các công ty lữ hành cũng đang phải chủ động chuyển hướng, ưu tiên các thị trường gần, đi bằng xe lớn, bằng tàu hoặc bằng phương tiện cá nhân. Đồng thời, tập trung vào lượng khách VN đi nước ngoài. Đây là đối tượng khách năm nay khả năng vẫn giữ, thậm chí còn có thể tăng cao hơn.
Lữ hành có thể chuyển hướng được, nhưng theo ông Cao Trí Dũng, "khổ" nhất là các điểm đến, hệ thống lưu trú thời gian qua đầu tư rất mạnh cho các sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là Phú Quốc. Những điểm đến có thể sử dụng phương tiện cá nhân, phương tiện xe công cộng, xe du lịch, tàu hỏa tiếp cận thì vẫn có khả năng duy trì. Đơn cử như Tây Ninh, vừa qua du lịch phát triển đột biến. Đà Nẵng cũng đang có nhiều chính sách mạnh mẽ thu hút khách địa phương và khách từ các thị trường lân cận. Song, Phú Quốc là đảo, phương tiện đến chủ yếu là máy bay và đường thủy nên sẽ cực kỳ khó. Hiện sân bay Phú Quốc chỉ còn các chuyến bay nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng. Các hãng đã tạm ngừng khai thác tuyến bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang (Khánh Hòa). Với những tổ hợp giải trí mới có giá trị hàng ngàn tỉ đồng, Phú Quốc sẽ phải dùng nguồn khách quốc tế bù đắp lại, nhưng khách quốc tế năm nay cũng chưa thể bùng nổ ngay được.
"Cả DN và các điểm đến đều đã bắt đầu phải nghĩ cách xoay chuyển để duy trì nguồn khách. Mặc dù vậy, hàng không vẫn là thị trường cơ bản nên mục tiêu thị trường nội địa năm nay của ngành du lịch khá khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tiến độ đưa máy bay hoạt động trở lại của các hãng hàng không. Hàng không và du lịch là hai cánh của máy bay. Một cánh lệch là chao đảo ngay", ông Cao Trí Dũng nhìn nhận.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, phản ánh dù chưa vào cao điểm hè nhưng giá vé máy bay đã tăng cao; nhiều khách có kế hoạch đặt tour sớm đang ưu tiên chọn địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách có xu hướng dịch chuyển sang chọn tour nước ngoài khi giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.
Theo ghi nhận, chặng bay từ TP HCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang... trong tháng 3-2024 đang có giá rất cao. Nghịch lý là chặng TP HCM - Hà Nội có giá vé khứ hồi khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá tour 4 ngày chỉ tầm 3,5 - 4 triệu đồng/người. "Nếu tổng chi phí tour - gồm cả vé máy bay - vào khoảng 7-10 triệu đồng/người thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn. Nhiều công ty du lịch không dám "ôm" nhiều vé máy bay như trước vì sợ giá biến động" - ông Huy nói.
Trong bối cảnh tăng trần giá vé máy bay, nhiều dự báo cho rằng những điểm du lịch có thể di chuyển bằng đường bộ và du lịch tự túc sẽ được ưa chuộng. Với khách khởi hành từ TP HCM, theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, khách có thể đổi từ tour trọn gói sang du lịch tự túc ở những điểm đến như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang... "Khi các tuyến cao tốc giúp việc di chuyển bằng đường bộ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải xoay xở để ứng phó. Thời gian qua, chúng tôi đã chuyển hướng sang cung cấp sản phẩm dịch vụ tự chọn tại điểm đến, không chỉ là đặt phòng khách sạn mà còn đặt vé tại các nơi tham quan, khu vui chơi hoặc nhà hàng... để đáp ứng mọi nhu cầu cho khách đi tour tự túc" - bà Trà cho hay.
Theo bà Hương Tình – Giám đốc Công ty di lịch March Travel, giá vé tăng là một thách thức lớn với ngành du lịch trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Đặc biệt, khi chưa vào giai đoạn cao điểm đã có thông tin giá vé máy bay tăng làm giảm đi sức hấp dẫn của du lịch nội địa:
"Nếu như giá tour từ các khu vực miền Bắc vào miền Nam miền Trung cũng như ngược lại sẽ tăng giá vé lên tương đương, thậm chí đắt hơn giá tour trọn gói đi các điểm quốc tế như Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia. Những mùa cao điểm giá vé bay các tuyến nước ngoài tăng, nhưng cũng chỉ ở mức tăng khoảng 5% và các chi phí khác trong lộ trình tour không thay đổi giúp doanh nghiệp lữ hành dễ thở hơn trong khai thác tour".
Hà Nội đón 2,9 triệu lượt khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm |
Quảng Ninh mở cửa trở lại hoạt động du lịch nội địa |
Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới |