Ngày 22/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chuẩn bị Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, sẽ diễn ra tại Tây Ninh ngày 28/6. Đồng thời lãnh đạo các địa phương cũng tổ chức họp nhanh bàn kế hoạch kết nối phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh miền Trung trong thời gian tới đây.
Tham dự cuộc họp có đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tạo cầu nối phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP. HCM, Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 này nhằm giới thiệu điểm đến, sản phẩm mới du lịch của các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ; chính sách kích cầu của địa phương trong việc xây dựng sản phẩm liên tuyến mới; phát huy lợi thế cửa ngõ quốc tế. Các tỉnh, thành trong vùng vốn có lợi thế về cơ sở hạ tầng du lịch với tài nguyên phong phú, đặc trưng như sản phẩm du lịch văn hóa di sản, rừng núi và biển đảo.
Đồng thời, những tuyến du lịch liên kết kích cầu du lịch giữa TP. HCM - Bình Dương - Tây Ninh; TP. HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ sớm hình thành sau thời gian cơ quan quản lý và DN tiến hành khảo sát, nhằm khai thác tốt hơn thị trường nội địa, thu hút người dân đi du lịch nhiều hơn.
Để triển khai liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP và vùng Đông Nam Bộ, doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn TP cũng đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ trong vùng cùng giảm giá dịch vụ để hạ giá tour, kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Mức giảm giá được đề xuất từ 10%-50%.
Cụ thể, gốm sứ Minh Long (Bình Dương) giảm 15%-20% giá sản phẩm; cáp treo núi Bà Đen (Tây Ninh) giảm 50% giá khách đoàn; làng bưởi Tân Triều giảm 30% thực đơn ăn trưa, trái cây; Bảo tàng Vũ khí (Bà Rịa - Vũng Tàu) giảm 50% giá vé từ nay đến cuối năm...
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho hay, TP đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa thời kỳ hậu Covid-19. Để khuyến khích thị trường nội địa - khoảng 100 triệu dân đi du lịch, cần vai trò đầu tàu của TP trong khai thác du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước.
TP. HCM xác định tập trung vào các nhóm: Thứ nhất gồm TP. HCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL, hiện đã được ký kết và triển khai, tạo ra các tour du lịch mới từ TP. HCM đi các tỉnh, hỗ trợ nguồn nhân lực đào tạo cho các tỉnh. Sắp tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Thành phố sẽ kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho các địa phương. Đây là điều kiện bắt buộc phải có, tạo điều kiện cho du khách đến vui chơi, chi tiêu nhiều hơn ở những tour liên vùng.
Đầu tháng 7/2020, TP. HCM tổ chức sơ kết du lịch tại TP Cần Thơ để đánh giá hiệu quả sau 6 tháng ký kết hợp tác với 13 tỉnh thành ĐBSCL, từ đó rút kinh nghiệm chung.
DN du lịch trên địa bàn TP cũng đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ trong vùng cùng giảm giá dịch vụ để hạ giá tour, kích thích nhu cầu đi du lịch
Nhóm thứ hai gồm TP. HCM với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và sẽ có ký kết hợp tác trong hội nghị ngày 28/6 này tại Tây Ninh - một trong những tỉnh có nhiều đầu tư phát triển du lịch gần đây. Với vai trò của mình, TP. HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa doanh nghiệp du lịch đến các tỉnh. Bản thân một số doanh nghiệp lữ hành cũng thông báo tình trạng thiếu sản phẩm mới, phải tự bươn chải, mày mò làm tour. Do vậy, việc kết nối tốt sẽ mở ra nhịp cầu để doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tạo tour mới.
Nhóm thứ ba gồm TP. HCM với các tỉnh miền Trung, dự kiến mở đầu hợp tác bằng diễn đàn kích cầu du lịch. Nếu làm tốt, TP dự tính triển khai nhân rộng kết nối đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.
“Để kinh tế tăng trưởng sau dịch Covid-19, hợp tác kết nối phát triển du lịch nội địa là nhanh nhất. Mặc dù chính quyền kết nối nhưng bản chất câu chuyện làm du lịch vẫn là doanh nghiệp, bởi chính họ sẽ tạo ra các sản phẩm mới thu hút du khách, tạo thêm công ăn việc làm, kích cầu kinh tế… Khi có sự hợp tác giữa các địa phương, chính quyền sẽ mời gọi, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là cơ hội mà doanh nghiệp du lịch cần tận dụng”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Cũng theo lãnh đạo TP. HCM, trong quá trình liên kết, chính quyền địa phương đóng vai trò cầu nối, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, trong khi DN sẽ tạo ra sản phẩm du lịch từ đó phục vụ du khách. Chỉ riêng TPHCM, hiện có hơn 1.300 DN trong lĩnh vực du lịch, quá trình kết nối, tìm hiểu sẽ giúp họ có thêm thông tin về những điểm đến mới, hấp dẫn hơn, cùng nhau khai thác tour du lịch hiệu quả.
Minh Nhật