Tết Hàn thực năm 2023 nhằm ngày nào dương lịch? Tết Thanh Minh năm 2023 nhằm ngày nào? Văn khấn Tết Thanh Minh 2023 theo cổ truyền chuẩn nhất |
Tết Hàn thực 2023 rơi vào ngày 3/3 Âm lịch, tức ngày thứ Bảy 22/4 Dương lịch. Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Lý do Tết Hàn thực thường cúng bánh trôi, bánh chay
Bánh trôi, bánh chay thường không thể thiếu trong mâm lễ cúng Tết Hàn Thực |
Khi bước sang tháng 3, thời tiết sẽ bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.
Bên cạnh đó, bánh trôi bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.
Có nên cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc trong Tết Hàn thực?
Không nên cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc trong Tết Hàn thực |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng, bánh trôi của Việt Nam cũng khác với bánh trôi Tàu của người Trung Quốc. Bánh trôi truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường. Từ thời xưa, thứ bánh trắng trong này cũng đã đi vào những câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, gắn liền với thân phận và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt như: sự tảo tần, trong trắng, hy sinh, lam lũ... Chính vì thế, ngoài ý nghĩa hướng về cội nguồn, ngày Tết Hàn thực ở Việt Nam còn được xem là ngày Tết tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
Ngày nay, nhiều gia đình thường “chuộng” bánh trôi chay, nhiều màu sắc để thắp hương, dâng lên ông bà tổ tiên tuy nhiên theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, điều này không đúng với nguyên gốc và những ý nghĩa của ngày lễ Hàn thực. “Bánh trôi nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống”, TS. Nguyễn Ánh Hồng khẳng định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, vào ngày lễ này các gia đình không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.
Trong những ngày này, dù ai đi đâu, ở đâu cũng cố gắng về bên gia đình, ngồi bên mâm cơm sum họp, thưởng thức vị ngọt ngào của bánh trôi chay như nhắc nhở nhau nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính điều này đã tạo nên nét đẹp, làm cho ngày Tết này bám rễ, ăn sâu vào đời sống văn hóa của người Việt và có sức sống cho đến tận bây giờ.
Cách làm bánh trôi, bánh chay cho Tết Hàn thực
Cách làm bánh trôi
Nguyên liệu: 500 gr bột gạo nếp, 50 gr bột gạo tẻ, 100 gr đường đỏ viên đã cắt sẵn, 1 bát vừng rang; ít dừa nạo, 1 thìa cà phê nước hoa bưởi.
Dùng phới lồng trộn đều bột nếp và bột tẻ, từ từ đổ nước vào bột, trộn đều để bột và nước hoà quyện hoàn toàn. Để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 3 tiếng cho bột lắng, tách bột và nước thành 2 phần.
Đổ bớt nước và cho bột vào khăn xô, buộc túm lại và treo lên để róc hết nước. Sau khoảng 1 tiếng, bạn mở khăn kiểm tra, nếu bột mịn, không dính tay thì có thể bắt tay vào nặn bánh.
Chia bột thành những sợi dài, đường kính 1,5-2 cm, dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại.
Đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào. Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, hãy vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính. Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.
Dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước của bạn trở nên đẹp mắt hơn.
Cách làm bánh chay
Chuẩn bị nguyên liệu: 200 gr bột nếp, 200 gr đậu xanh không vỏ, 100 gr bột năng hoặc bột sắn dây, 200 gr đường, ít tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối, vừng trắng rang chín.
Làm vỏ bánh: Cho bột nếp vào tô to, sau đó thêm từng ít nước ấm vào trộn đều. Khi thấy bột vừa đủ độ ẩm thì dừng lại, nhồi cho tới khi bột thành một khối mịn dẻo.
Làm nhân bánh: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước 2 - 4 tiếng cho hạt đậu nở mềm, sau đó đổ ra rửa lại cho sạch. Cho đậu vào xửng và hấp tới khi chín mềm thì tắt bếp. Đổ đậu ra chảo và thêm đường, bật bếp xào cho nhân đậu tan đều với đường, dẻo mịn và khô ráo có thể vo viên được là tắt bếp. Cho thêm chút dầu hoa bưởi và đảo đều rồi để cho nhân đậu nguội bớt. Chia đều nhân đậu thành những viên đều nhau, sau đó vo viên lại cho tròn, bọc kín lại để nhân không bị khô.
Tạo hình bánh chay: Ngắt một miếng bột vừa phải rồi vo tròn. Sau đó ấn dẹt miếng bột, cho nhân vào giữa và vo lại cho kín, sau đó bạn lăn cho bánh tròn đều. Tiếp theo, bạn ấn dẹt chiếc bánh và tạo một hõm giữa sao cho giống chiếc bánh chay là được.
Nấu bánh: Đổ nước vào nồi đun sôi, sau đó thả bánh vào luộc. Khi thấy bánh chín nổi lên thì luộc thêm 1-2 phút nữa rồi tắt bếp, vớt bánh ra thả vào tô nước lạnh 3 phút cho nguội.
Nấu nước chè: Tận dụng nồi nước luộc bánh chay để nấu chè, thêm đường cho đủ ngọt, nấu cho sôi lên. Cho bột năng hoặc bột sắn dây vào bát và thêm nước khuấy đều cho tan, tiếp theo bạn chế từ từ vào nồi chè, vừa chế vừa khuấy để chè không bị vón cục. Khi thấy nồi chè có độ sánh đặc thì là tắt bếp, cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi hoặc dầu chuối cho thơm.
Thành phẩm: Vớt bánh chay bày ra bát, sau đó bạn múc phần chè vừa nấu vào cùng, rắc thêm vừng trắng rang chín lên trên là hoàn thành.
Tết Thanh Minh năm 2023 nhằm ngày nào? |
Văn khấn Tết Thanh Minh 2023 theo cổ truyền chuẩn nhất |
Tết Hàn thực năm 2023 nhằm ngày nào dương lịch? |