“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Nhưng để hiểu rõ về nguồn gốc của ngày tết bánh trôi, bánh chay thì không phải ai cũng biết.
Tết Hàn Thực là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. "Hàn Thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày tết truyền thống này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay (ở Trung Quốc nấu chè trôi nước), nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân, chứ ít người biết đến hai chữ "Hàn Thực" gắn với một điển tích ở Trung Quốc, được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.
Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Sau khi du nhập vào Việt Nam tết Hàn thực đã có những thay đổi sao cho phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Ở Việt Nam, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn Thực.
Trong ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành.
Bánh trôi, bánh chay chính kết tinh của văn hóa, bản sắc của người Việt, thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam.
Linh Hương (Theo HHTH)
Cách làm bánh trôi bánh chay
Phần 1:
Chuẩn bị nguyên liệu - Bột nếp làm bánh trôi: 500g - Đậu xanh bỏ vỏ: 100g - Dừa nạo: 100g - Vani: 1 ống - Bột sắn dây: 2 thìa canh - Đường phên - Đường trắng: 150g
Phần 2
Bước 1: Vì là bột pha sẵn để làm bánh trôi, bánh chay nên chúng ta cho bột ra một chiếc bát to, thêm từ từ nước nóng để trộn bột. Khi thấy bột dẻo, mịn, ấn không dính tay là được. Để bột nghỉ 15 phút.
Bước 2: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước ấm khoảng 1 tiếng cho nở (ngâm đậu trước khi nhào bột), sau đó cho vào nồi cơm điện đổ xâm xấp mặt nước nấu như nấu cơm cho đậu chín.
Bước 3: Khi đậu xanh chín thì dùng máy xay, xay nhuyễn rồi cho đậu vào chảo chống dính đảo đều cùng 50g đường. Đường và đậu nhuyễn vào nhau thì cho thêm dừa nạo cắt nhỏ vào đảo đều rồi thêm chút vani, sau đó tắt bếp.
Bước 4: Để đậu xanh nguội bớt rồi vê thành từng viên tròn bằng ngón tay cái, xếp vào đĩa để lát làm nhân cho bánh chay.
Bước 5: Đường phên cắt hạt lựu để làm nhân cho bánh trôi.
Bước 6: Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, chúng ta tiến hành nặn bánh. Làm bánh trôi: Vê bột thành những viên nhỏ vừa ăn. Ấn dẹt ở giữa viên bột rồi cho viên đường phên cắt hạt lựu ở trên vào. Bao viên bột lại và vê tròn cho kín viên bột, tránh vê quá kỹ, bánh có thể bị vỡ khi đun.
Bước 7: Đặt nồi nước lên bếp đun sôi, thả bánh trôi đã nặn vào luộc đến khi bánh nổi lên là chín. Vớt bánh ra thả ngay vào bát nước lạnh để bánh không bị dính vào nhau. Bánh chay cũng làm tương tự. Cho bánh trôi ra đĩa, gạn hết nước đọng trên đĩa rồi dùng đầu ngón tay chấm vừng rang chấm lên trên mặt bánh trôi là xong. Bánh chay cho vào bát, rưới nước sắn dây lên trên, thêm đậu xanh đã hấp chín, dừa nạo để món bánh thêm thơm, ngậy.