Giá thuê trọ tăng trở thành nỗi lo của sinh viên
Đón đầu nhu cầu thuê phòng tăng cao trước thềm nhập học, nhiều chủ trọ, người kinh doanh phòng trọ đang đẩy giá phòng, gây khó khăn cho đối tượng sinh viên.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học ở Hà Nội như quận Cầu Giấy (đường Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu...), quận Ba Đình, quận Đống Đa (phố Chùa Láng), quận Thanh Xuân..., giá phòng trọ cho thuê hiện đang dao động ở mức từ khoảng 3 đến 5,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền dịch vụ và điện nước), tùy vào diện tích và cơ sở vật chất theo phòng. Nhiều phòng, chủ kinh doanh trang trí thêm một vài vật dụng như tranh treo tường, tủ lạnh, bàn học, hay tủ quần áo… trong phòng chỉ để “ép” giá sinh viên, người thuê trọ.
Tìm đến những phòng trọ có phân khúc giá thấp hơn (dưới 3 triệu đồng), người đi thuê sẽ nhận được những phòng trọ khá cũ, ẩm mốc, không gian chật, hẹp và các bất lợi như nhà vệ sinh chung, không có điều hoà,…
Nhiều phụ huynh, tân sinh viên đang rất "đau đầu" để tìm được căn phòng trọ ưng ý tại TP Hà Nội. |
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Hải An (Nam Định) cho biết, năm nay là năm đầu tiên con trai anh lên Hà Nội học, sau khi biết trúng tuyển tại Đại học Bách Khoa Hà Nội bằng phương thức xét tuyển sớm. Anh đã nhờ người thân ở quanh khu vực này tìm phòng trọ cho con. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 tuần trôi qua mà anh vẫn chưa tìm được chỗ nào ưng ý.
Tương tự, bạn Nguyễn Ánh Dương (SN 2006, Hà Nam) chia sẻ, Ánh Dương cũng trúng tuyển một trường đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội bằng phương thức xét tuyển sớm. Hiện tại, Anh Dương và bố mẹ đang tìm nhà trọ ở khu vực Cầu Giấy có mức giá khoảng 2,2- 2,5 triệu đồng/tháng với tiêu chí đảm bảo an ninh, an toàn PCCC và đầy đủ các tiện nghi cơ bản. Tuy nhiên, các nhà trọ đồng loạt tăng giá khiến Ánh Dương chưa tìm được phòng nào phù hợp với khả năng chi trả.
“Trong trường hợp không tìm được phòng ở mức giá mình muốn, em sẽ kiếm thêm người ở ghép để giảm chi phí. Những ngày tới, em cùng bố mẹ dự định sẽ lên Hà Nội để trực tiếp xem phòng rồi mới đặt cọc thuê trọ, để tránh trường hợp phòng trọ thực tế không giống với trên ảnh, nằm sâu trong ngõ ngách chật hẹp, bất tiện hay thiếu an toàn PCCC” , Ánh Dương chia sẻ.
Không chỉ tân sinh viên, những sinh viên đã sống và học tập nhiều năm ở Hà Nội cũng không nằm ngoài vòng xoáy của cơn “bão giá” thuê trọ.
Nhiều sinh viên chọn cách ở ghép với bạn bè để giảm chi phí. |
Chị Đặng Anh Thư – sinh viên năm 4 Đại học Văn hóa Hà Nội (thuê nhà trọ ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bản thân vừa quay lại Hà Nội để chuẩn bị cho năm học mới cách đây vài ngày thì được chủ trọ thông báo về việc tăng giá thuê lên thêm 250.000 đồng/tháng, riêng những phòng có từ 2 sinh viên trở lên sẽ tăng 300.000 đồng/tháng.
“Việc áp giá thuê mới sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới làm mình rất bất ngờ vì hầu hết tiện nghi của phòng vẫn giữ nguyên. Với bản thân mình, 250.000 đồng nếu chi tiêu tiết kiệm, mình có thể dùng trong 3 - 4 ngày. Chưa kể, đầu năm học mới còn rất nhiều thứ phải lo như sách vở, tài liệu, học phí, đi lại… thật sự mình thấy rất áp lực”, chị Thư chia sẻ.
Lý giải về việc các phòng trọ tăng giá, anh Đức Minh - người quản lý các phòng trọ ở một căn nhà 6 tầng trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) cho biết: “Các phòng bên mình đều là chung cư mini mới hoàn thiện, phòng sạch sẽ, hiện đại, rộng rãi hơn nhiều so với phòng trọ thông thường. Không những thế, các phòng đều được trang bị đầy đủ tủ lạnh, điều hòa, giường,tủ, bếp điện,... và lắp đặt thêm hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo tiêu chuẩn. Dù giá thành đắt hơn chút nhưng ở rất đáng. Nhiều sinh viên ở theo nhóm từ 2 - 3 người/phòng, khi chia ra thì cũng chẳng đắt hơn so với phòng trọ bình dân là mấy”.
Cần đề phòng rủi ro khi thuê trọ
Trong thời buổi 4.0, thị trường phòng trọ cho thuê chủ yếu được giới thiệu theo hình thức đăng tải thông tin trên các hội nhóm môi giới. Phần lớn người thuê sẽ chỉ được làm việc qua người môi giới mà không được gặp trực tiếp chủ nhà trọ. Điều này có thể tạo ra những rủi ro cho người thuê.
Đã có rất nhiều sinh viên mắc phải tình trạng lừa đảo cọc tiền trọ. Nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao, đăng bài cho thuê phòng trong các hội, nhóm với giá rẻ và sau đó bắt người thuê phải cọc một khoản tiền để giữ phòng. Hình thức lừa đảo này không mới nhưng cũng không ít người vẫn bị mắc lừa.
Do đó, sinh viên, người thuê trọ cần phải tỉnh táo để tránh bị mắc bẫy lừa đảo. Đặc biệt, trước khi thuê trọ ở đâu cần phải tìm hiểu kỹ về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội,… trên địa bàn định thuê để yên tâm sinh sống và học tập.