Những năm trở lại đây, nghề chế biến cá hấp phơi khô phát triển mạnh ở thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (huyện Gio Linh) mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường không chỉ trong, ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất các hộ dân vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định như mặt bằng sản xuất, nhiên liệu đốt, nhà xưởng thiết bị chưa được đảm bảo dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao cũng như an toàn lao động trong các khu sản xuất không được đảm bảo.
Những năm gần đây, nghề chế biến cá hấp ở Quảng Trị ngày càng phát triển, góp phần ổn định cuộc sống người dân
Mô hình chế biến cá hấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng GMP được triển khai tại 2 điểm xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, với tổng mức kinh phí trên 200 triệu đồng. Trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình 50% kinh phí để mua cẩu tời, nồi hấp và dàn phơi. Nguồn nguyên liệu mô hình sử dụng là cá nục và cá cơm tươi, sau khi ướp muối cá sẽ được rữa sạch trãi lên các vỹ, cho vào giống gánh đưa đi hấp.
Tại đây hệ thống cẩu tời tự động đưa giống cá vào nồi hấp đã đun sôi nước bằng điện, nhiệt độ sẽ được kiểm soát bằng rơ le nhiệt, sau đó cá sẽ được vận chuyển ra giàn phơi, phơi khô. Dự kiến mỗi năm cơ sở sản xuất 8 tháng với 220 tấn nguyên liệu, sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi trên 700 triệu đồng/năm.
Ngoài một số hỗ trợ ban đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn chuyển giao khoa học kỹ thuật để hộ sản xuất triển khai theo đúng quy trình, đạt hiệu quả. Qua 2 tháng triển khai mô hình đã cho thấy tính ưu việt của nó. Sử dụng nồi hấp cải tiến, nhiệt đun sôi nước bằng điện thay thế đun sôi bằng củi than. Đưa hệ thồng cẩu tời điều chỉnh tự động thay thế nhân công tại công đoạn hấp cá. Áp dụng dàn phơi để sản phẩm nhanh khô và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là mô hình lần đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ chuyển giao trên địa bàn tỉnh.
Mô hình chế biến cá hấp đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai rộng rãi sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ dân vùng ven biển
Mô hình triển khai sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ dân vùng ven biển. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình có tác động lớn về mặt xã hội, việc cơ giới hóa một số công đoạn sẽ thúc đẩy nghề chế biến cá hấp tại Quảng Trị, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến thủy sản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo an toàn lao động, cũng ngư góp phần thúc đẩy nghề khai thác phát triển, tăng tổng thu nhập cho xã hội.
Mới đây, nhằm nâng cao kỹ năng cho các hộ dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND xã Gio Việt, tỉnh Quảng trị đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chế biến cá hấp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lớp tập huấn diễn ra trong vòng một ngày. Giảng viên đã trao đổi với các hộ dân về các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề chế biến cá hấp tại Quảng Trị như nguyên liệu chế biến phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc; nhà xưởng thiết bị cần phải xây dựng chắc chắn; thay thế nhiên liệu đốt bằng bệ thống điện; cơ giới hóa khâu hấp bằng hệ thống cẩu tời điều khiển tự động. Bên cạnh đó giảng viên đã truyền tải những kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩn, an toàn lao động cho người chế biến.
Thông qua các kiến thức trao đổi tại lớp tập huấn nhằm giúp người dân có thêm sự lựa chọn để phát triển cơ sở sản xuất cho phù hợp với điều kiện nông hộ, đảm bảo an toàn trong lao động trong chế biến cá hấp và sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Diệu Thu