Quảng Trị dự kiến đón khách du lịch vào đầu năm 2022 Hội An - nơi giao lưu văn hóa Việt-Nhật từ hàng trăm năm trước Việt Nam khởi động chương trình “Live fully in Vietnam” đón khách du lịch quốc tế |
Quảng Ngãi: Phục hồi hoạt động du lịch từ tháng 12/2021 |
Nhằm từng bước phục hồi hoạt động du lịch với lộ trình và các điều kiện tổ chức hoạt động du lịch an toàn, linh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phục hồi kinh tế vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh theo 3 giai đoạn, cụ thể:
Cụ thể, giai đoạn 1 (từ tháng 12 đến tháng 1/2022), người dân và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc và lưu trú tại Quảng Ngãi đáp ứng tiêu chí an toàn đối với khách du lịch. Địa bàn mở cửa du lịch (trừ huyện đảo Lý Sơn) là địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2, hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất, khách nội tỉnh được đi lẻ, theo nhóm hoặc mua tour du lịch theo quy định của tỉnh về số lượng người được phép tập trung tại khu vực công cộng tùy theo địa bàn, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ thực hiện theo quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Giai đoạn 2 (từ tháng 2/2022 đến tháng 5/2022), đối tượng khách du lịch nội địa và quốc tế đáp ứng tiêu chí an toàn đối với khách du lịch. Địa bàn mở cửa có dịch cấp độ 1 và 2, trong đó, hướng dẫn viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine (đủ 14 ngày sau khi tiêm).
Giai đoạn 3 (từ tháng 6/2022 trở đi), hoạt động du lịch trở lại trạng thái “bình thường” trong điều kiện đáp ứng các tiêu chí an toàn trên phạm vi toàn tỉnh theo quy định của địa phương và hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTT&DL.
Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung khai thác sản phẩm du lịch trọng tâm, ưu tiên đầu tư, phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch có tính bền vững, gắn với tự nhiên, gắn phục hồi sức khỏe phù hợp với nhu cầu của du khách. Trong đó, đối với sản phẩm nghỉ dưỡng biển, đảo gồm huyện Lý Sơn, khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Mỹ Khê; đối với sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên gồm khu du lịch Bãi dừa, khu du lịch suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, khu du lịch Suối Chí, khu du lịch Thác Trắng; đối với sản phẩm du lịch cộng đồng gồm làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, làng du lịch cộng đồng Bình Thành, du lịch trải nghiệm văn hóa Hrê tại xã Ba Thành (huyện Ba Tơ)…
Các điểm tham quan kết hợp trong hành trình gồm Bảo tàng tổng hợp tỉnh, điểm du lịch thành cổ Quảng Ngãi, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh.
Để thu hút du khách sớm trở lại, Quảng Ngãi sẽ triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mãi, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hình ảnh “Quảng Ngãi-Điểm đến an toàn, thân thiện” có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trên tất cả các dịch vụ như lưu trú, lữ hành, vận chuyển, ăn uống, điểm đến... với mục tiêu giảm giá nhưng không giảm chất lượng; phát động chương trình người Quảng Ngãi đi du lịch trong tỉnh với các gói ưu đãi hấp dẫn, đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó sẽ tổ chức sơ kết diễn đàn liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vào năm 2022; tạo liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch của các doanh nghiệp du lịch; tổ chức giới thiệu sản phẩm du lịch trực tuyến với doanh nghiệp du lịch 7 tỉnh/thành trong liên kết.
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá bằng ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành hiệu quả app du lịch Quảng Ngãi và số hóa điểm đến du lịch. Tập trung xúc tiến, quảng bá đối với các thị trường đã kiểm soát được dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, khách công vụ. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng lao động để phục vụ mở cửa hoạt động đón khách du lịch.