Những khách quốc tế đầu tiên đặt chân lên đảo Phú Quốc vào sáng 30 tết. Ảnh Hoàng Trung |
Khách quốc tế đến Phú Quốc dịp Tết tăng gần 6 lần
Ngày 13/2, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ 29 Tết đến Mùng 5 Tết (8-14.2), địa phương ước đón hơn 335.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài ước hơn 53.000 lượt; khách tham quan các khu, điểm đạt hơn 214.000 lượt, khách lưu trú hơn 120.000 lượt, công suất phòng đạt 66,3%.
Riêng TP Phú Quốc ước đón hơn 191.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 52.000 lượt, khách lưu trú gần 67.000 lượt, tăng gần 6 lần về số lượng và gấp 8 lần doanh thu so với cùng kỳ.
Ông Bùi Quốc Thái cũng thông tin thêm, công tác chuẩn bị phục vụ khách du lịch dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được các địa phương và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm chuẩn bị khá tốt, các sản phẩm dịch vụ được củng cố, làm mới, một số sản phẩm mới được đưa vào khai thác và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí… sẵn sàng phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn cho du khách. Thực hiện tốt việc niêm yết giá, chuẩn bị tốt về dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thực phẩm, nhân sự nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vui chơi, giải trí, ăn uống, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.
Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc
Du lịch Phú Quốc được du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm tham quan nghỉ dưỡng. Ảnh Hữu Tuấn |
UBND tỉnh Kiên Giang đề ra 4 chiến lược phát triển TP Phú Quốc gồm: Bảo tồn và phát triển tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và nhân văn đặc thù biển đảo; Phát huy giá trị biển đảo xây dựng Phú Quốc trở thành cực tăng trưởng kinh tế biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển đô thị biển đảo đặc sắc; Khu du lịch quốc gia Phú Quốc.
Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quốc có đặc trưng riêng, có sức hút mạnh mẽ với các hoạt động du lịch cũng như các điểm tham quan đa dạng, các nguồn cung cơ sở lưu trú phong phú, và dễ dàng tiếp cận.
Tăng cường kết nối và sử dụng bền vững các tài nguyên sinh thái cho phát triển du lịch. Phát triển du lịch tâm linh, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng nhằm khai thác tối đa các giá trị cảnh quan sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ được khai thác với các hoạt động du lịch như: câu cá; giáo dục cộng đồng; nghiên cứu khoa học; dã ngoại; đi bộ, dạo trong rừng; ngắm cảnh; các môn thể thao mạo hiểm: dù lượn, leo núi; tham quan rừng; nghỉ ngơi sinh thái trong rừng. Phát triển cung cấp dịch vụ du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo quy mô trong nước và quốc tế. Du lịch nông nghiệp và du lịch văn hóa: Tận dụng, kết hợp các yếu tố nông nghiệp và văn hóa địa phương vào trải nghiệm du khách.
Bên cạnh đó, đồ án còn định hướng phát triển không gian; sử dụng đất quy hoạch; thiết kế đô thị; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển không gian ngầm; giải pháp bảo vệ môi trường; các dự án ưu tiện đầu tư….Trong đó đang chú ý, nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đến năm 2030: Công suất 10 triệu hành khách/năm; sau năm 2030: Công suất 18 triệu hành khách/năm.