Nuôi vịt trời mang lại lợi nhuận cao |
Chọn giống
Vịt giống phải lựa chọn những con có bố mẹ to lớn, khả năng tăng trọng cao, phẩm chất tốt để vịt con thừa hưởng được những đặc tính di truyền tốt.
Lựa chọn những con vịt mới nở có các đặc điểm: lông mượt, rốn khô, chân mỏ đều, cơ thể cân đối, nhanh nhẹn và nặng từ 45g trở lên để làm giống nuôi thương phẩm. Loại bỏ những con bị dị tật, 2 chân không cân đối, lông bết, ủ rũ hoặc chậm chạp.
Nên chọn mua vịt từ đàn vịt bố mẹ rõ nguồn gốc, sạch bệnh và nên mua ở các cơ sở cung cấp giống uy tín để tránh mua phải vịt giống cận huyết, vịt kém chất lượng.
Chuẩn bị chuồng trại
Tùy vào điều kiện cụ thể để làm chuồng trại nuôi vịt trời cho phù hợp. Tuy nhiên vị trí chuồng nuôi tốt nhất là gần bờ ao, thuận tiện cho vịt tắm, có nhiều cây cối. Không xây chuồng chung với các loại gia súc khác và cách ly khu nhà ở. Chuồng nuôi phải đảm bảo các yếu tố: Thoáng mát vào mùa hè, ấm và kín vào mùa đông. Chuồng có thể chia làm nhiều ô để phân chia đàn theo lứa tuổi nhằm thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, lá cọ, lá xi măng. Nền chuồng phải cao, bằng phẳng được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng đảm bảo phải khô sạch.
Chuồng cần có sân chơi rộng rãi cho vịt, diện tích sân chơi phải gấp 2 - 3 lần diện tích chuồng và xây dựng sát ngay phía trước chuồng nuôi. Sân chơi không quá dốc nhưng phải đảm bảo thoát nước vào mùa mưa. Xung quanh chuồng quây bằng lưới B40 để tránh thất thoát.
Phát quang cây cối quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi, rắc vôi bột.
Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn, máng uống và để trống chuồng 7 - 14 ngày trước khi bắt vịt về. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.
Ðiều kiện nuôi
Cần bật bóng khoảng 3 - 5 tiếng trước khi bắt vịt về úm. Do vịt mới nở có sức đề kháng yếu. Vì vậy, cần nhiệt độ cao, nhiệt độ trong quây úm là 35 - 360C đối với vịt 1 ngày tuổi. Nhiệt độ giảm dần theo ngày, đến ngày thứ 5, nhiệt độ trong quây úm đảm bảo khoảng 32 - 330C. Sau đó giảm dần nhiệt độ thích hợp bằng cách quan sát hoạt động của vịt, nếu thấy vịt đứng tụm lại, co ro là nhiệt độ thấp; nếu vịt đứng tản ra thì do nhiệt độ cao. Nên duy trì độ ẩm trong quây úm khoảng 70% là thích hợp.
Thông thường, diện tích nhà úm khoảng 50 - 100 m2/vạn vịt. Căn cứ vào từng giai đoạn mà có mật độ thả vịt khác nhau, cụ thể: Trong tuần 1, úm vịt với mật độ 20 con/m2; tuần 2 là 5 con/m2; từ tuần thứ 3 trở đi tiến hành thả vịt ra ngoài.
Máng ăn phải rộng để vịt có thể tiếp xúc với thức ăn, chiều dài của máng đảm bảo 10 - 14 cm/con. Máng uống phải rửa hàng ngày, đảm bảo đủ chỗ cho vịt đứng, độ dài máng bình quân là 3 cm/con, máng phải luôn có nước. Bố trí máng ăn, máng uống ở khu vực riêng, để chỗ nghỉ ngơi của vịt luôn được khô ráo.
Thu nhập 70 triệu đồng/tháng nhờ nuôi vịt trời
Mô hình nuôi vịt trời bay như chim của gia đình anh Sơn |
Dưới chân thác Sao Va hùng vĩ tại bản 1, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), anh Trần Đình Sơn đã quyết định khoanh vùng nuôi vịt trời.
Trong số 3ha trang trại tổng hợp của mình, anh sử dụng 1ha để đào 2 ao và dựng chuồng nuôi vịt trời với số lượng lên đến 7000 con, phủ kín cả diện tích ao.
Anh Sơn quyết định nuôi thí điểm 1000 con vịt trời, sau 6 tháng bắt đầu xuất bán.
Đây là giống vịt thương phẩm thịt ngon được nhiều người ưa chuộng, với giá bán vịt trời thịt là 130.000 đồng/kg, cao hơn các loại gia cầm thông thường khác.
Từ đó, anh quyết định mở rộng diện tích, đầu tư giống để nuôi với số lượng lớn bán trong ngày.
Anh Sơn cho biết, nuôi vịt trời có rất nhiều ưu điểm. Vịt trời hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, sức đề kháng cao và ít dịch bệnh. Bên cạnh đó chi phí để nuôi cũng ít hơn so với các loại vịt khác vì lượng thức ăn không nhiều.
Thức ăn của vịt trời chủ yếu là cá nhỏ, bèo, cỏ… đặc biệt khi không ở nhà chăm sóc, vịt cũng tự đi kiếm ăn được.
Đây là giống vịt thương phẩm được ưa chuộng nên dù giá cao thì đầu ra vẫn ổn định. Khó khăn duy nhất là đặc tính sống tự nhiên của vịt trời nên đôi khi bay lạc mất trong đồi núi.
Vịt trời của anh Sơn được nhập cho các nhà hàng tại Vinh, Hà Nội, Nghĩa Đàn và Quế Phong. Riêng tại đất vùng biên Quế Phong, anh mở nhà hàng ở đường 48 và ngay dưới chân thác Sao Va để phục vụ khách du lịch.
Hiện nay, mỗi ngày gia đình anh xuất bán khoảng 40 con vịt trời. Trung bình mỗi tháng xuất hơn 1.000 con vịt với gía thị trường hiện tại là 130.000 đồng/kg (mỗi con khi xuất bán nặng khoảng 1kg), giúp gia đình anh thu về hơn 120 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí nuôi (thức ăn, tiêm phòng trung bình 50.000 đồng/con) đã lãi ròng khoảng 70 triệu đồng/tháng.