Bà Phạm Thị Hiền, ngụ ấp Bào Láng, xã Nam Thái (An Biên) kiểm tra lú trước khi giao khách hàng |
Xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) là xã ven biển có tiềm năng về khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhờ sự phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản, nghề làm lú cũng hình thành và phát triển.
Báo Kiên Giang đưa tin, vợ chồng bà Phạm Thị Hiền (54 tuổi), ngụ ấp Bào Láng, xã Nam Thái, huyện An Biên là người làm nghề lú đầu tiên ở ấp.
Trước đây, gia đình bà Hiền không ruộng đất canh tác nên vợ chồng sống bằng nghề bắt tôm, cá dưới sông. Năm 1999, chồng bà Hiền học cách làm lú từ một số người dân huyện Vĩnh Thuận và cải tiến sản phẩm ngày càng hoàn thiện, chất lượng.
Lú do gia đình bà Hiền làm đẹp, bắt nhiều cá, tôm nên được nhiều người ở địa phương tìm mua và học hỏi cách làm. Thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao, năm 2009 gia đình bà thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh và bắt đầu thuê nhân công.
Cơ sở của bà Hiền có gần 20 nhân công, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi. Mỗi năm, cơ sở bán hơn 15.000 cái lú các loại. Tùy loại và kích thước, lú có giá từ 130.000-300.000 đồng/cái.
Để hoàn thành một cái lú phải trải qua nhiều công đoạn, hầu hết làm thủ công. Tùy công đoạn, tiền công từ 5.000-20.000 đồng/cái, trung bình mỗi nhân công thu nhập từ 3-6 triệu đồng/tháng.
13 năm gắn bó với nghề làm lú giúp gia đình bà Châu Kim Loan (51 tuổi), ngụ ấp Bào Láng có cuộc sống ổn định. Bà Loan nói: “Từ khi nghề làm lú ở địa phương hình thành và phát triển, ngoài làm việc nhà, bán quán cà phê, tôi thường xuyên nhận lú về làm. Việc nhẹ nhàng, không cần vốn đầu tư, trung bình mỗi ngày tôi thu nhập gần 200.000 đồng từ công đoạn ráp vành cho lú, tính ra mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập từ nghề này mà cuộc sống gia đình thoải mái hơn”.
Từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều gian khó, giờ ông Phù Văn Khên (81 tuổi), ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành tỷ phú nông dân nhờ gắn bó với nghề đánh bắt hải sản, trồng cây lâu năm, cây ăn trái và nuôi cá.
Ông Phù Văn Khên cho đàn hươu của gia đình ăn cỏ |
“Năm 1974, gia đình tôi đến Phú Quốc lập nghiệp, lúc đó vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, phải làm thuê kiếm sống qua ngày. Chúng tôi suy nghĩ phải làm cách gì đó để có thu nhập ổn định đời sống”, ông Khên kể. Suy nghĩ ban đầu của ông chính là đầu tư đóng tàu đánh bắt hải sản kết hợp với trồng cây, nuôi cá.
Ông vay tiền ngân hàng, đóng ghe cào đánh bắt hải sản trị giá từ 4-10 tỷ đồng/cặp tàu. Hiện đội tàu của ông Khên có 7 chiếc. “Năm 1980, tôi đánh bắt thua lỗ, nợ nần hàng trăm cây vàng, phải làm trả nợ 7 năm sau đó mới hết. Vừa trả hết nợ thì đội tàu của tôi lúc đánh bắt lại bị chìm 1 chiếc, con trai bị bệnh mất”, ông Khên nhớ lại.
Dù cuộc sống có lúc khó khăn nhưng chẳng bao giờ ông bỏ cuộc, xuôi theo số phận. Ông Khên tiếp tục vay tiền để đầu tư đánh bắt hải sản, trồng 3.000 cây sao, 100 cây chay, dầu, 1.000 cây dên dên, 300 gốc xoài cát, 150 gốc măng cụt, 60 cây sầu riêng… trên diện tích khoảng 12ha đất của gia đình. Hiện tính ra mỗi năm, ông Khên thu nhập chỉ riêng từ 7 chiếc tàu và từ xoài, sầu riêng đã hơn 2,5 tỷ đồng.
Kinh tế gia đình ngày càng đi lên, ông Khên tiếp tục đầu tư nuôi 100 con heo rừng, 18 con hươu, 9 con nai cho thu nhập hàng năm khoảng 80 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, ông còn đào ao nước ngọt nuôi ghép nhiều loại cá rô, tai tượng, điêu hồng, trê vàng trên diện tích mặt nước khoảng 5.000m2.
“Tôi nuôi để chuẩn bị đầu tư phát triển kinh tế gia đình kết hợp với dịch vụ du lịch, chủ yếu là cho du khách vào tham quan vườn trái cây, câu cá giải trí”, ông Khên cho biết.
Với cách mà ông đang làm, gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70 người lao động, với mức thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ 5 hộ nghèo, hộ khó khăn có việc làm ổn định. Từ khi kinh tế gia đình khá giả, ông Khên bắt đầu làm từ thiện.