Rau muống là loại rau phổ biến trong mâm cơm của người Việt từ xưa đến nay. Vào mùa hè, đây là một trong những loại rau được nhiều người ưa chuộng bởi dễ ăn, dễ chế biến lại giúp làm dịu đi đáng kể cái nóng nực, oi ả.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, trong Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường, công năng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc từ thực phẩm hoặc độc chất do côn trùng...
Còn trong y khoa hiện đại, trong 100g rau muống có chứa 78,2g nước; 2,7g Protein; 85mg canxi; 31,5mg photpho; 1,2mg sắt và 20mg vitamin C. Ngoài ra còn có caroten, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2.
Rau muống cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, A...Bên cạnh đó, hàm lượng canxi cao tốt cho những người bị loãng xương và huyết áp thấp. Ngoài ra, ăn rau muống cũng có lợi cho người mắc bệnh thiếu máu, phụ nữ mang thai ăn rau muống giúp giảm nguy cơ táo bón.
Rau muống tuy giàu dinh dưỡng nhưng cần phải đảm bảo được ăn đúng cách để tránh gây hại cho sức khỏe. Một số thói quen ăn rau muống không tốt dưới đây cần phải hạn chế:
Ăn rau muống sống, rau chưa nấu kỹ
Rất nhiều người thích món rau muống chẻ ăn sống, nộm rau muống hoặc xào tái rau. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đây là loại rau được trồng thủy sinh nên có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng. Đặc biệt loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn tên Fasciolopsis buski, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau muống sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Ký sinh trùng này vào thành ruột và gây ra các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng.
Ngoài ra, rau muống đứng đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm do thói quen nhiều người sử dụng hóa chất trong quá trình trồng trọt. Do đó khi ăn rau muống cần rửa sạch, nấu chín kỹ, nên lựa chọn mua rau muống có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo rau an toàn cho gia đình.
Ăn rau muống khi đang mắc bệnh
Bản thân rau muống cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như chất xơ, protein, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, threonin, valin, leucin… Đây là những axit amin cần thiết cho cơ thể, tốt cho những người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm. Nó cũng giúp mọi người phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, rau muống có thể khiến tình trạng của một số bệnh trở nên trầm trọng hơn. Những người mắc các bệnh dưới đây nên hạn chế ăn rau muống, dù là món luộc hay xào.
Người bị sỏi thận: Rau muống chứa hàm lượng oxalate cao. Chất này khi đi vào cơ thể có thể kết tủa ở thận và tạo sỏi.
Người bị bệnh gout: Người mắc bệnh này cần hạn chế lượng đạm tiêu thụ. Trong khi đó, rau muống có hàm lượng đạm cao nên không thích hợp với những người bị bệnh gout.
Người bị viêm khớp: Ăn rau muống sẽ khiến tình trạng viêm khớp ngày càng nghiêm trọng, thêm khó chịu, bức bối.
Người đang uống thuốc Đông y: Rau muống có khả năng giã thuốc, làm mất tác dụng của một số loại thuốc Đông y. Vì vậy, khi đang uống thuốc Đông y, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại thực phẩm cần tránh.
Ăn rau muống khi bị vết thương
Theo các nghiên cứu, rau muống có chất madecassol (chất này cũng được tìm thấy nhiều trong rau má) thúc đẩy quá trình phát triển xơ. Đối với những người có cơ địa sẹo lồi, ăn rau muống sẽ khiến cho sẹo lồi hơn. Những người cơ địa bình thường, chất này lại tăng cường quá trình liền sẹo.
Cùng với rau muống, thịt bò cũng là thực phẩm có thể để lại vết sẹo lồi cho người đang có vết thương mềm, bởi chúng kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi trên da. Vì vậy nếu chưa biết cơ địa mình thế nào, tốt nhất không ăn rau muống khi bị vết thương hở. Những người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa cũng không được khuyến khích ăn rau muống.
Cách chọn rau muống ngon và an toàn
Khi mua rau muống, hãy tránh những loại có cọng to hơn bình thường. Nên mua những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn ăn cứng thì ăn sẽ giòn và an toàn hơn.
Nên tránh những loại rau bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa lá rất bóng và mướt. Loại này thường được bón quá nhiều đạm hoặc phân bón lá.
Trước khi nấu, nên rửa rau nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất còn sót lại trên rau.