Xịt họng bổ phế Nam Hà và Xịt họng bổ phế Nam Hà trẻ em quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm |
Cục An thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua trên trang mạng xã hội https://www.facebook.com/thuochobopheNamHa có nội dung quảng cáo sản phẩm TPBVSK Xịt họng bổ phế Nam Hà và TPBVSK Xịt họng bổ phế Nam Hà trẻ em không đúng với công dụng của sản phẩm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Được biết, sản phẩm này do Công ty Cổ phần dược phẩm Nam Hà, địa chỉ: số 415 đường Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên trang fanpage nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Liên quan đến sản phẩm dòng sản phẩm Xịt họng bổ phế Nam Hà, Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) đã phản ánh, tại trang fanpage Bổ phế Nam Hà – Thuốc ho cho người Việt được liên kết trực tiếp từ website bophenamha.vn (thuộc sở hữu của Công ty CP Dược phẩm Nam Hà – địa chỉ: 415 Hàn Thuyên – TP Nam Định – Tỉnh Nam Định) có đăng tải nội dung quảng cáo: "Dùng xịt họng bổ phế nam hà thường xuyên giúp tăng miễn dịch hô hấp, phòng COVID -19". Kèm theo đó là hình ảnh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Xịt họng Bổ phế Nam Hà và TPBVSK Xịt họng Bổ phế Nam Hà trẻ em.
Bổ phế Nam Hà phòng được COVID-19? |
Tuy nhiên, quá trình ghi nhận của PV cho thấy, hai sản phẩm xuất hiện trong quảng cáo nêu trên là TPBVSK được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép quảng cáo số 2147/2021/XNQC-ATTP chỉ có công dụng hỗ trợ: Hạn chế ho nhiều, giảm tăng tiết đờm, giảm đau rát họng do ho kéo dài.
Theo giấy phép được cơ quan chức năng cấp, hai sản phẩm nêu trên của Công ty CP Dược phẩm Nam Hà không hề có liên quan gì đến COVID-19. Thế nhưng, Công ty này vẫn quảng cáo sản phẩm TPBVSK có công dụng "Phòng COVID-19".
Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo thực trạng lợi dụng nhu cầu, tâm lý phòng chống dịch bệnh COVID-19 của người dân tăng cao trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số tổ chức, cá nhân đã có hành vi tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm hay phòng chống được COVID-19…
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm đã có những biện pháp chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng COVID-19 để trục lợi, tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID- 19. Đồng thời Bộ Y tế đã liên tục đưa ra những cảnh báo cho người tiêu dùng, không có bất kì loại TPCN/TPBVSK nào chữa được COVID-19 hay kháng COVID-19.
Những quảng cáo gây hiểu nhầm TPBVSK có công dụng như thuốc chữa bệnh. |
Ngoài ra, trên trang fanpage Bổ phế Nam Hà – Thuốc ho cho người Việt còn thường xuyên đưa ra những thông điệp quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng với hàng loạt các công dụng như: "Xịt họng bổ phế Nam Hà vừa có tác dụng chữa trị, vừa có tác dụng bồi bổ" hay "tiêu đờm, giảm ho, giảm đau rát họng, tăng đề kháng hô hấp", "giảm nhanh bé ho, đờm khò khè", "đánh bay đờm ho dai dẳng ở trẻ nhỏ"….
Tại giấy xác nhận 2903/2021/XNQC-ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 20/10/2021 cho TPBVSK Xịt họng bổ phế Nam Hà đối với phương tiện quảng cáo truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác có đoạn nội dung lời bình: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xịt hong bổ phế Nam Hà nhỏ gọn trong tay".
Tuy nhiên, trong các video đang được phát sóng trên các kênh truyền thông hiện nay, đoạn "thực phẩm bảo vệ sức khỏe" đã "không cánh mà bay", thay vào đó nội dung lời bình chỉ còn: "Xịt họng bổ phế Nam Hà nhỏ gọn trong tay".
Công ty CP Dược phẩm Nam Hà không chỉ quảng cáo TPBVSK gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo video chưa đúng với giấy xác nhận quảng cáo mà còn sử dụng thư cảm ơn của bệnh nhân quảng cáo sai lệch công dụng của sản phẩm, thậm chí còn gọi TPCN là "thần dược" như: "Giảm viêm đau họng, viêm amidan, viêm phế quản" hay "Bổ Phế Nam Hà mới có thêm loại xịt họng nên lần này mình thử qua loại này để cắt cơn ho cho con"… Đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo TPBVSK.
Quảng cáo TVC "bỏ quên" khuyến cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (?!) |
Theo các chuyên gia, quảng cáo TPBVSK như thuốc chữa bệnh là một vấn nạn chung ở thời điểm hiện tại. Trong khi thuốc có công dụng điều trị bệnh thì TPBVSK chỉ có công dụng hỗ trợ việc điều trị. Tuy nhiên, để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, không ít nhãn hàng sẵn sàng nhập nhèm "đánh tráo" hai khái niệm thuốc và TPBVSK.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong các vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vi phạm quảng cáo là phổ biến nhất. Nhiều nhãn hàng luôn có xu hướng quảng cáo quá công dụng sản phẩm, khiến người tiêu dùng hiểu lầm đây là thuốc điều trị bệnh. Trong khi các sản phẩm này mang tính hỗ trợ, không phải thuốc điều trị.
Cục An toàn thực phẩm khảng định, các sản phẩm TPBVSK chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều vi phạm quy định.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi sau: Quảng cáo TPBVSK có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, "bắt bệnh" và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo quy định tại Điều 3, thông tư số 08/2013/TT-BYT Hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế có nêu rõ cách hanh vi cấm: "Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm." |