Người nuôi cần thận trọng khi tái đàn heo, kẻo “mất cả chì lẫn chài” |
Giá heo hơi ngày 11/11/2022, tiếp tục tăng ở cả 3 miền
Tại miền Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang giá heo hơi đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên mức 56.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình giá heo hơi lần lượt được thu mua với mức 57.000 đồng/kg, 58.000 đồng/kg và 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Ninh Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi đạt mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 55.000 - 59.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, tỉnh Bình Thuận giá heo hơi báo tăng 2.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 54.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế giá heo hơi đi ngang, hiện được thu mua với mức 58.000 đồng/kg.
Các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Bình Định giá heo hơi đang ở mức thấp hơn 54.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 54.000 - 58.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, tại tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh giá heo hơi đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg lên mức 56.000 đồng/kg. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh giá heo cũng tăng 1.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg.
Trong khi giá heo hơi tại tỉnh Cần Thơ lại giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 52.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua. Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu giá heo hơi đạt mức 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang giá heo hơi được thu mua với mức thấp 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 57.000 đồng/kg.
Các địa phương đồng loạt tái đàn
Bình Thuận: Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Thuận đang tập trung tăng đàn, “vỗ béo” đàn vật nuôi để xuất bán dịp cuối năm.
Theo các hộ chăn nuôi, năm nay giá vật tư đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh đều tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là hiện nay đang vào cao điểm đầu tư tái đàn, tăng đàn. Tuy vậy, các sản phẩm chăn nuôi đầu ra thuận lợi, giá tốt nên người nuôi trong tỉnh tăng đàn, kỳ vọng vào “thời điểm vàng” tiêu thụ lớn nhất của năm.
Tại xã Thiện Nghiệp, địa phương nuôi heo tập trung nhiều nhất của TP. Phan Thiết với tổng đàn heo của xã khoảng 3.600 con. Ông Nguyễn Thanh Lâu, hộ chăn nuôi lâu năm ở thôn Thiện Trung cho biết: “Mặc dù biết tết là cao điểm tiêu thụ mạnh thịt heo nhưng gia đình tăng tái đàn số lượng không nhiều khoảng 50 - 60 con heo thịt, giữ ổn định heo giống khoảng 10 con vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nếu rủi ro sẽ lỗ vốn”.
Nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi thịt heo cuối năm rất lớn, nhất là thịt heo, gà tăng khoảng hơn 50% so với ngày thường. Vì vậy, người nuôi tập trung tái đàn cung ứng ra thị trường điều này tăng nguy cơ dịch bệnh cao hơn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi khi tăng đàn cần chú ý khâu chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín, giống nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm ngừa. Trong quá trình chăn nuôi tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đó là tiêm phòng vắc xin đầy đủ gia súc, gia cầm. Không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi heo, thường xuyên tiêu độc khử trùng hạn chế mầm bệnh lưu hành khu vực chăn nuôi.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường. Chi cục phối hợp cùng chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng trên 16,6 triệu liều vắc xin, đạt 111% kế hoạch năm 2022. Trong đó, đàn trâu, bò 157.000 liều, đàn heo 421.200 liều, đàn gia cầm trên 15,9 triệu liều, đàn chó, mèo 36.850 liều. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2022, cấp phát trên 7.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương. Các địa phương huy động, thành lập các đội, tổ phun thuốc sát trùng tổ chức ra quân làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các chợ, điểm công cộng…
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bình Thuận, tín hiệu tích cực ngành chăn nuôi tỉnh có sự chuyển dịch mạnh từ giảm chăn nuôi nhỏ lẻ sang tăng dần hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Hiện toàn tỉnh có trên 159 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn heo hiện khoảng 341.200 con, tăng 12,9% so cùng kỳ, đàn gia cầm có 6.141 ngàn con, tăng 39,3%. Chăn nuôi bò phát triển ổn định, tạo thu nhập và giải quyết việc làm cho một số hộ chăn nuôi ở nông thôn, toàn tỉnh hiện có 174.800 con bò, tăng 1,9% so cùng kỳ.
Các địa phương đồng loạt tái đàn |
Sóc Trăng: Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt động vật tại tỉnh Sóc Trăng tăng từ 20 đến 30% so với ngày thường. Ngay từ thời điểm này,nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung công tác tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung kịp thời cho thị trường tiêu dùng ngày Tết. Năm nay, giá vật tư đầu vào tăng cao, diễn biến thời tiết những tháng cuối năm lại là giai đoạn rất dễ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, công tác tái đàn gia súc, gia cầm được ngành chuyên môn và hộ nuôi rất thận trọng nhằm đảm bảo một vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.
Mặc dù duy trì sản xuất liên tục trong năm, nhưng riêng trong vụ nuôi này, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại được gia đình ông Nguyễn Khắc Cư ở ấp Trung Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách thực hiện rất kỹ lưỡng; bởi đây là vụ nuôi quan trọng trong năm vì giá bán cao, đầu ra thuận lợi do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết. Theo đó, từ giữa tháng 10, gia đình ông đã chọn nguồn gốc rõ ràng để nhập về 500 con giống vịt xiêm Pháp, vịt khi mang về được ông cho sưởi đèn, nuôi cách ly riêng biệt trước khi đưa vào chuồng nuôi vịt thương phẩm và ông cũng tuân thủ việc tiêm phòng bệnh đầy đủ nhằm đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh đến thời gian xuất bán.
Theo ông Cư nhận định, giá thịt gia cầm năm nay nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với mọi năm, do chi phí vật tư đầu vào trong chăn nuôi hiện vẫn ở mức khá cao. Ông Cư cho biết: “Năm nay giá bán vịt thương phẩm phải cao hơn năm trước, vì năm trước giá thực phẩm chăn nuôi rẻ, còn năm nay giá thực phẩm tăng cao nên dự đoán giá bán phải từ 65 đến 67 ngàn đồng 1kg”.
Bên cạnh gia cầm, thịt heo cũng là sản phẩm được tiêu thụ mạnh trong mâm cơm gia đình vào những ngày Tết, công tác tái đàn từ trang trại đến nông hộ vì vậy tăng rất cao trong những tuần vừa qua. Tết năm nay, ông Nguyễn Văn Út ở ấp An Tập, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành dự định cho xuất chuồng khoảng 30 con heo thịt. Hiện nay, đàn heo bán Tết của gia đình đạt trọng lượng mỗi con gần 30kg, dự định sẽ đạt trọng lượng xuất bán vào giữa tháng Chạp năm nay. Trước diễn biến còn khá phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu Phi ở những địa phương lân cận, ngoài chủ động sản xuất con giống tại chỗ, thì ông Út còn thực hành tốt các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm cung ứng cho thị trường sản phẩm thịt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Út chia sẻ: “Tôi chọn mua thức ăn tại những công ty có uy tín, không pha trộn gì thêm và cho ăn theo lứa tuổi. Khi heo được ba ngày là tôi bắt đầu thực hiện tiêm phòng các loại bệnh. Nếu bầy heo nào mà èo ọt quá thì tôi bồi dưỡng thêm cho nó khỏe mạnh”.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi đang khẩn trương cho xuất chuồng vật nuôi để thực hiện thả nuôi lứa mới. Nguồn giống gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu tái đàn chủ yếu được nhập về từ tỉnh ngoài. Vì vậy, công tác giám sát kiểm dịch vận chuyển được ngành chức năng tăng cường, đảm bảo lượng gia súc, gia cầm nhập vào tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và an toàn dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Việt - Trưởng Trạm kiểm dịch Đại Hải - An Hiệp, xã Đại Hải, huyện Kế Sách thông tin thêm: “Lưu lượng phương tiện vận chuyển trong những tháng này tăng hơn so với bình thường. Đối với trạm kiểm dịch, chúng tôi phân công trực 24/24 giờ và phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã để tăng cường công tác kiểm dịch đối với các phương tiện vận chuyển động vật xuất và nhập ra vào tỉnh. Chúng tôi cũng liên hệ thường xuyên với các tỉnh lân cận để nắm rõ diễn biến dịch bệnh, từ đó có giải pháp quản lý, khống chế kịp thời nhằm ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh từ tỉnh ngoài vào làm ảnh hưởng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”.
Năm 2022, giá sản phẩm thịt động vật có phần cải thiện hơn so với mọi năm nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, với tổng đàn gia súc, gia cầm đều ở mức tăng cao hơn so cùng kỳ. Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết ẩm ướt nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh động vật là rất cao. Để công tác tái đàn được hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người dân cần tuân thủ tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh theo đúng quy định, chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn.
Bình Định, những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Công, ở thôn An Thiện, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân tập trung chăm sóc lứa heo 60 con để kịp bán trong tháng 10 này. Sau khi bán lứa heo này, gia đình ông Công tiếp tục mua heo con về nuôi để kịp bán dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Công cho biết: “Đầu năm có đợt dịch tả lợn Châu Phi heo chết nhiều. Do phòng trừ kỹ nên hiện tôi mới dám đầu tư, bởi nguồn bệnh dịch tả lợn Châu Phi ủ rất lâu. Bây giờ tái đàn đến Tết con heo khoảng 50 kg. Các trại heo con bây giờ bán heo con rất nhỏ, heo con 7-8 kg, heo lớn 10 kg như trước đây thì ít. Giá cám với giá thịt hiện nay thì người chăn nuôi tạm ổn”.
Toàn huyện Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó 5 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian qua, giá heo trên thị trường ổn định từ mức 50 đến 60 ngàn đồng/kg, nên dù giá thức ăn tăng cao, người nuôi heo vẫn có lãi. Hiện, người chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân đang đẩy mạnh tái đàn để có heo bán vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Chuyên gia cảnh báo cần thận trọng
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động thị trường nên việc tái đàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thị trường, không nên nhập ồ ạt và bảo đảm nguồn gốc, cơ sở rõ ràng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, việc tái đàn, nhập đàn mới sau khi xuất bán gia súc gia cầm là việc làm tất yếu với người chăn nuôi, nhất là sau dịp tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng rất cao (khoảng 20% – 30 %) so với nhu cầu bình thường. Đặc biệt khi gia súc, gia cầm xảy ra dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt buộc phải tiêu hủy thì người chăn nuôi cũng muốn khôi phục lại sản xuất.
Mặt khác do tác động của cơ chế thị trường, có thời điểm nhu cầu sử dụng từng loại động vật, sản phẩm động vật tăng cao. Thị trường khan hiếm các doanh nghiệp, người chăn nuôi cũng tranh thủ tái đàn, nhập đàn để phát triển kinh tể. Hoặc sau thời điểm xảy ra những đợt dịch lớn (cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ….) thị trường khan hiếm, người chăn nuôi cũng nhập đàn, tái đàn, thậm chí đầu tư lớn để thu lợi kinh tế.
Để hạn chế những rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế khi tái đàn gia súc, gia cầm, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật tại thời điểm tái đàn thị trường chi phí trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, các chi phí đầu vào trong chăn nuôi để quyết định nhập đàn và tái đàn. Không nên nhập ồ ạt trong khi thị trường còn những biến động bất thường. Việc tìm hiểu thị trường luôn được đặt lên hàng đầu, không chỉ để khôi phục phát triển sản xuất mà còn tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi vì quan trọng nhất tạo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó cần bảo đảm nhập gia súc từ cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, các cơ sở chăn nuôi uy tín có thương hiệu. Đặc biệt các cơ sở đã được công nhận về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để có đàn gia súc có chất lượng.
Chuyên gia cảnh báo cần thận trọng |
Thạc sĩ Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với hệ thống chăn nuôi thú y tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông hộ, trang trại, gia trại thay đổi tập quán chăn nuôi, sử dụng hiệu quả các loại vaccine để tiêm phòng được triệt để các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tiêu độc khử trùng, hạn chế ruồi muỗi hoặc các ký sinh trùng lây lan từ chuồng này sang chuồng khác. Tăng cường chất dinh dưỡng cũng như các loại khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Đối với chuồng trại cần chú ý tránh nắng nóng hoặc mưa tạt, gió lùa. Quan trọng là con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch động vật để chăn nuôi được tốt hơn”.
Để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cũng lưu ý hộ nuôi cần phải thận trọng, bình tĩnh trong công tác tái đàn. Tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất cho phù hợp với quy mô chuồng trại và khả năng tài chính, nhằm đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sắp tới.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm dến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi, tiêu hủy 64 con heo với trọng lượng hơn 5 tấn thịt. Quy mô và phạm vi bệnh dịch tả heo châu Phi giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp trong những tháng cuối năm.
Ngành Nông nghiệp đã phối hợp, hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh chết theo quy định, thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động để phát hiện lưu hành mầm bệnh đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, khống chế tốt, không để bệnh lây lan diện rộng.
Giá heo hơi hôm nay ghi nhận đà tăng trên diện rộng đưa giá tiệm cận mức 60.000 đồng/kg. Xu hướng tăng này cho thấy nhua cầu thực phẩm cuối năm đã tăng lên, đà tăng được dự báo sẽ kéo dài tới dịp Tết. Đây là điều cơ lợi cho người nôi heo để tính toán tới việc tái đàn vào dịp này.
Ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân Bình Định cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh trên đàn heo.
“Người dân đã đưa các đàn heo về dưới sự giám sát của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân. Các ngành, địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng để thực hiện để tái đàn. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia súc đợt 2 năm 2022, hỗ trợ thuốc cho các địa phương”, ông Túc nói thêm.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương tập trung phòng chống dịch tả heo Châu Phi để heo phát triển tốt, phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp nói: “Trong điều kiện thức ăn tăng cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Bình Định và các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con chăn nuôi tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như gạo, cám, ngô để bổ sung khẩu phần ăn cho heo, giảm thức ăn công nghiệp để giảm thức thức ăn tăng. Giá cả trong thời điểm hiện nay tương đối ổn định bà con có lãi, bà con tiếp tái đàn”.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Dư địa của ngành nông nghiệp chỉ còn chăn nuôi và đánh bắt. Ngành nông nghiệp và các địa phương chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Bây giờ, phải có kế hoạch phát triển chăn nuôi lợn như thế nào? Kết hợp với phòng chống dịch bệnh ra sao? Sau đó chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ Tết nguyên đán, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước. Như vậy dư địa ngành chăn nuôi rất nhiều”.
Tạo thuận lợi cho hộ chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường Tết |
Giá thức ăn tăng kỷ lục, người chăn nuôi khó tái đàn dịp cuối năm |
Giúp người chăn nuôi “vượt lỗ” khi tái đàn |