![]() |
Rùa biển lên đẻ tại bãi biển mũi Cồn, thôn Hải Đông trước khu dân cư xã Nhơn Hải vào năm 2021 và được chăm sóc, bảo vệ. |
Thức trắng đêm "đỡ đẻ" cho rùa "mẹ tròn con vuông"
Bình Định có khoảng 134 km bờ biển, khí hậu thuận lợi cho rùa làm tổ đẻ trứng trong mùa sinh sản. Trước đây, rùa biển thường lên bãi cát các xã đảo và bán đảo thuộc TP Quy Nhơn như Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu đẻ trứng. Tuy nhiên, hiện nay, Nhơn Hải là nơi duy nhất ghi nhận rùa biển còn lên bờ đẻ trứng. Do đó, việc bảo tồn rùa biển được địa phương đặc biệt chú trọng.
Một trong những người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn rùa biển ở Bình Định là anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng. Anh được người dân địa phương xem là "bà đỡ" mát tay của rùa biển. Chỉ riêng năm 2021, trong 5 lượt rùa lên bãi biển Mũi Cồn, xã Nhơn Hải đẻ thì anh đã trực tiếp di dời, bảo vệ và "đỡ đẻ" thành công 3 ổ trứng, đưa hàng trăm rùa con xuống nước an toàn.
![]() |
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng trong một lần “đỡ đẻ” cho rùa biển. |
Nhớ lại lần đầu tiên "đỡ đẻ" cho rùa biển, anh Sáng cho biết khi người dân phát hiện một con khoảng 60 kg, dài 120 cm bò lên Mũi Cồn đẻ, anh lập tức đến nơi di dời ổ trứng vào khu vực an toàn. Lần đó, ổ trứng 98 quả nở được 67 rùa con. Tuy nhiên, 14 con đã chết ngạt trong quá trình ngoi lên mặt đất, chỉ còn 53 con được đưa về biển.
Từ đó, mỗi khi rùa nở là anh Sáng bằng mọi cách có mặt để giúp rùa con chào đời an toàn. "Có hôm chúng tôi "đỡ đẻ" cho rùa đến 1 giờ sáng mới trở về nhà" - anh cho biết.
Anh Sáng sinh ra trong gia đình nhiều đời làm ngư dân ở xã Nhơn Hải. Từ lúc lên 10 tuổi, anh đã theo cha đánh bắt thủy sản. Lớn lên, chứng kiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, môi trường biển ngày càng ô nhiễm, anh quyết tâm cùng cộng đồng gìn giữ sức sống cho vùng biển quê mình.
Năm 2007, anh Sáng tham gia nhóm quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Anh cùng các thành viên trong nhóm thường xuyên tuyên truyền để ngư dân không khai thác thủy sản bằng chất độc, thuốc nổ; triển khai các mô hình sinh kế nuôi mực, cá bớp... cho người dân.
![]() |
Xã bán đảo Nhơn Hải tuyệt đẹp nhìn từ trên cao, có thể thấy được bãi biển mũi Cồn (nhô ra) và bãi Hòn Khô nơi có rùa đẻ trứng. |
Một số người dân xã Nhơn Hải cho biết, thời gian trước đây có nhiều người hay đào ổ trứng rùa đem về ăn hoặc tiêu thụ, nhưng từ 2008 đến nay, thông qua nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự thành lập của tổ chức cộng đồng tại Nhơn Hải để bảo vệ rùa biển và san hô, các hoạt động giết hại rùa biển và khai thác trứng rùa đã không còn xảy ra.
Trăn trở trước sự biến mất của các bãi đẻ tự nhiên của rùa biển
Một thách thức lớn đối với công tác bảo tồn rùa biển tại Nhơn Hải, đó là các dự án kinh tế đang tạo ra nguy cơ mất dần các bãi đẻ này. Đây là điều thật sự đáng tiếc bởi lẻ khi nhận thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển của cộng đồng ngư dân ven biển tỉnh Bình Định đặc biệt là người dân xã Nhơn Hải đã tăng lên rõ rệt thì số lượng rùa lên bãi đẻ trứng ngày càng giảm.
Năm 2016, có 02 cá thể rùa bị chết có kích thước tương ứng với những cá thể rùa đã từng sinh sản ở Nhơn Hải và 01 rùa mẹ bò lên khu dân cư Nhơn Hải để tìm chỗ đẻ. Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải kể rằng đó là đêm vào cuối tháng 10/2016, tại khu vực bãi biển Mũi Cồn thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, một con rùa biển lớn thuộc loài Vích đã bò lên bãi cách kè chắn sóng 50m để đẻ trứng.
Vì thời tiết sóng lớn nên rùa mẹ đã di chuyển một đoạn đường khá dài, gần 200m để lựa chỗ đào hầm và chuẩn bị đẻ trứng. Rất đông người dân trong xã nghe tin đã đến xem rùa đẻ. Tuy nhiên, thấy xuất hiện rất đông người, con rùa không đẻ trứng mà chỉ nằm đào cát rồi lấp lại. Đến 23 giờ cùng ngày, con rùa này đã di chuyển và bò trở lại biển mà không đẻ trứng.
![]() |
Tổ tình nguyện viên rùa biển và cán bộ Chi cục Thủy sản thả rùa con về biển năm 2013. |
Đỉnh điểm rùa biển tìm lên bãi biển gần khu dân cư để đẻ trứng là vào năm 2021, trong khoảng thời gian từ tháng 6-9 khi dịch Covid bùng phát tại Bình Định. Và lệnh cấm tụ tập đông người tại các khu vực cộng cộng đặc biệt là các bãi biển được chính quyền các cấp đẩy mạnh triển khai.
Vì thế, chính điều kiện thuận lợi này đã tạo điều kiện cho rùa biển quay lại Nhơn Hải để đẻ trứng. Đã có 05 lượt rùa biển lên bãi biển trước thôn Hải Đông đẻ trứng với 476 quả trứng được tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ và di dời đến nơi an toàn. Kết quả có 3 ổ rùa đã nở, 2 ổ bị hư hỏng do bị ngập bởi triều cường, trong đó ổ trứng đầu tiên đã nở được 53 con đạt tỉ lệ nở 54%, 2 ổ sau rùa tự nở và bò xuống biển đi trong đêm nên không xác định được số lượng.
Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương. Sự kiện rùa mẹ lên đẻ và ấp nở trứng rùa thành công đã thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng được lan tỏa trong cộng đồng.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế chúng ta thấy rằng đây là một không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi rùa lên đẻ trong dịp bãi biển vắng người. Bằng chứng năm 2022 có dấu tích chứng tỏ rùa tiếp tục lên bãi biển gần khu dân cư để tìm chỗ đẻ nhưng chúng đã không đẻ mà quay về biển.
“Hiện tại sự phát triển của dân cư và quy hoạch du lịch nên các nơi đẻ trứng của rùa biển dần bị mất đi vì vậy rất mong các cấp các ngành quan tâm quy hoạch bãi đẻ rùa biển”, anh Sáng, người được ví như "bà đỡ" rùa biển đẻ trứng đề xuất./.