Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) cũng đưa ra những con số thống kê đáng chú ý về thực trạng bệnh tiểu đường trên toàn thế giới như sau:
Mỗi năm thế giới có khoảng 132.600 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, chỉ tính riêng số trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 1 trong độ tuổi 0 – 19 tuổi là hơn 1 triệu.
Hơn 21 triệu phụ nữ đang mang thai bị tăng đường huyết và dung nạp đường kém, chiếm tỷ lệ 1/6 tổng số phụ nữ mang thai.
Khoảng 2/3 số bệnh nhân tiểu đường là người cao tuổi, tuy nhiên, số bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi cũng không ngừng gia tăng.
Cứ 6 giây trôi qua sẽ có 1 người tử vong vì các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường.
Năm 2017, số bệnh nhân tử vong do tiểu đường là 4 triệu người. Chi phí điều trị bệnh tiểu đường toàn thế giới là 727 tỷ đô la, trở thành gánh nặng của toàn thế giới.
Vì sao bữa sáng quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường?
Bữa sáng cho người tiểu đường được coi như bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Điều đó đúng cả với người bình thường và với những người mắc bệnh đái tháo đường. Bữa ăn sáng cho người khoẻ mạnh bình thường hay bữa ăn sáng khi bị tiểu đường có tác dụng giúp giữ lượng đường trong máu ổn định suốt cả ngày.
Một nghiên cứu cho thấy rằng bỏ qua bữa sáng khiến lượng đường trong máu tăng đột biến hơn sau bữa trưa và bữa tối. Nhưng không phải bữa sáng nào cũng được tạo ra như nhau. Theo đó, bữa sáng của những bệnh nhân mắc đái tháo đường nên bao gồm các thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh với sức khỏe.
Người bệnh đái tháo đường nên chọn ăn gì cho bữa sáng?
Bữa sáng tốt nhất dành cho người bị đái tháo đường bao gồm thực phẩm giàu đạm, ít tinh bột, nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh.
Thực phẩm giàu đạm
Chất đạm (protein) là chất dinh dưỡng giúp xây dựng mọi tế bào trong cơ thể và là một nguồn năng lượng tuyệt vời. Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, ăn thực phẩm giàu protein trong bữa sáng sẽ giúp cung cấp năng lượng, hạn chế tăng đường trong máu và tạo cảm giác no lâu.
Người bệnh nên chọn nguồn protein nạc từ động vật (như thịt, cá, trứng, sữa…) và protein thực vật (các loại đậu, quả hạch và các loại hạt).
Thực phẩm chứa ít carbohydrate
Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng, nhưng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, nếu sử dụng không đúng cách carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt.
Ăn bữa sáng ít carbohydrate sẽ giảm thiểu phản ứng glucose, có nghĩa là lượng đường trong máu sẽ được cân bằng tốt hơn trong ngày.
Người bệnh đái tháo đường cần hạn chế các thức ăn được làm từ sản phẩm ngũ cốc tinh chế như: ngũ cốc ăn liền, bánh mỳ trắng, đồ nếp, các loại bánh ngọt … Thay vào đó nên chọn loại tinh bột phức tạp có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Khi ăn chất xơ, cơ thể chúng ta mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó các chuyên gia cho rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ngũ cốc nguyên hạt, người bệnh đái tháo đường nên bổ sung các loại rau, củ quả và trái cây trong bữa sáng để tận dụng hiệu quả của chất xơ.
Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh
Cơ thể chúng ta rất cần chất béo để duy trì hoạt động. Chất béo cung cấp năng lượng cho tế bào và các vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, E, K... chỉ được hấp thu vào máu nếu có đủ dung môi là các chất béo. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường không nên kiêng hẳn chất béo mà nên lựa chọn loại chất béo có lợi.
Nghiên cứu cho thấy, chất béo lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu do chúng có lợi ích chống viêm, chống oxy hóa có thể giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin.
Một số nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh được chứng minh tốt cho người bệnh đái tháo đường bao gồm: các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu, cá tuyết, cá trích, cá mòi, cá cơm…; các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân và quả óc chó; chất béo từ quả bơ, dầu ô liu…
Cần lưu ý hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo xấu như chất béo bão hòa (mỡ động vật, da gà, bơ, kem...); và chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ nướng, chiên rán...