Mai vàng Kỳ Nam có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm. |
Loài mai độc đáo, quý phái
Mai vàng 5 cánh được người dân xã Kỳ Nam trồng đại trà để bán vào dịp Tết. Theo các cụ cao niên trong làng, từ hàng trăm năm trước nơi Đèo Ngang hun hút gió đã xuất hiện cả rừng mai vàng rực rỡ. Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với niềm đam mê, sự cần cù, kiên trì của người dân, cây mai cảnh đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho nông dân Kỳ Nam - nơi từng được xem còn nghèo nhất miền Trung, theo Nông thôn Việt.
Khác với các loài mai ở vùng khác (lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu đơn hoa) thì mai vàng Kỳ Nam lại có lá to, bầu, dày, màu xanh đậm. Đặc biệt mai Kỳ Nam hoa có 5 cánh mọc thành chùm (búp hoa kết lại có thể tạo hình thái như mào gà), màu sắc hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm.
Mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu hạn, chịu úng và chịu được cả khí hậu khô nóng, thiếu nước. Cây có thể mọc trên các loại đất có tầng canh tác mỏng, đất cằn khô, sỏi đá, nghèo dinh dưỡng do đó người dân đã tận dụng triệt để quỹ đất để trồng mai.
Là người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng mai, anh Nguyễn Viết Xuân (trú thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) chia sẻ: “Tôi không nhớ rõ mai vàng 5 cánh đã tồn tại ở Kỳ Nam bao lâu, chỉ biết từ khi tôi còn nhỏ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân lại kéo nhau lên các dãy núi Hoành Sơn, núi Mũi Độc... chặt mai về chưng".
Cũng theo anh Xuân thì ở Kỳ Nam hiện có ba loại mai chính là mai rừng (mọc trên rừng), mai biển (mọc dọc bờ biển) và mai cồn (mọc ở các cồn cát). Trong ba loại ấy, mai cồn vẫn được ví là “công chúa” bởi có hoa rất to, sắc vàng đậm, có bông 5 cánh, 6 cánh và có khi lên đến 10 cánh; đặc biệt mai cồn lại nở đúng vào dịp Tết Nguyên Đán.
Nhờ nét đặc trưng riêng có như lá to, bầu, dày, màu xanh đậm, mai vàng Kỳ Nam đã chinh phục được người tiêu dùng bởi sự độc đáo, quý phái từ loài hoa này.
Vườn mai của gia đình bà Võ Thị Nở (thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) rộng hơn 1.000m2, trồng hơn 300 gốc mai. Từ những ngày cuối năm 2023, thương lái đã đến tận vườn lựa chọn và đặt hàng những gốc mai đẹp để trưng bày bán phục vụ Tết. Gia đình bà Nở trồng mai đã hơn 8 năm nay, mỗi năm thu về hơn một trăm triệu đồng. Cao điểm như dịp Tết Nguyên đán năm 2023, gia đình bà thu được gần 200 triệu đồng từ tiền bán mai.
Bà Võ Thị Nở chia sẻ, năm nay, thời tiết thuận lợi. Việc tuốt lá mai cũng đã hoàn thành từ giữa tháng 11 âm lịch, dự kiến cây mai sẽ nở đẹp đúng dịp Tết. Nhờ trồng gối vụ luân phiên, năm nào, gia đình bà cũng có hơn 100 gốc mai bán ra thị trường. Năm nay, gia đình có khoảng 200 cây mai có thể xuất bán, với giá từ 2 - triệu đồng/cây. Đặc biệt, nhiều cây mai lâu năm có giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Xây dựng thương hiệu cho cây mai vàng
Người dân xã Kỳ Nam chăm sóc mai. |
Với truyền thống trồng mai cảnh lâu đời, những năm qua, bà con nông dân ở xã Kỳ Nam, TX Kỳ Anh không ngừng mở rộng diện tích, nâng tầm nghề trồng cây mai cảnh.
Nhằm động viên, khuyến khích người dân bảo tồn giống cây mai bản địa, gìn giữ vẻ đẹp và đưa cây mai trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập thường xuyên cho nhiều hộ dân, những năm qua, TX Kỳ Anh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mai ở xã Kỳ Nam, ngoài tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỷ thuật, hỗ trợ vốn và các chính sách ưu đãi thì việc gắn “định danh” cho cây mai vàng Kỳ Nam đang được gấp rút hoàn thiện.
Ðể nâng cao giá trị, danh tiếng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ Hà Tĩnh đang phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh triển khai đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này. Chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm. Khi mai vàng Kỳ Nam được gắn chỉ dẫn, có nhiều lợi thế và được bảo hộ khi thông thương trên thị trường. Chỉ dẫn địa lý sẽ giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt được mai vàng Kỳ Nam với mai được trồng từ các vùng khác. Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: Việc đăng ký bảo hộ sẽ mang lại tác động tích cực đối với người dân trong việc giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm của địa phương trồng mai vàng của tỉnh, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương….
Sau khi triển khai dự án: “Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh”, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh phối hợp với chính quyền địa phương và hộ trồng mai triển khai các bước theo quy trình. Hiện, đơn vị đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp bằng bảo hộ và chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” cho cây mai vàng.