Kiểm tra cá tra bố mẹ tại khu sản xuất cá giống của Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang. Ảnh: Văn Phô |
Rất khó mua con giống
Ở thời điểm này, giá cá tra giống dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ) tăng gần 10% so với tháng trước. Tuy nhiên, lượng cá giống không nhiều, nên người nuôi cá tra thương phẩm vùng ĐBSCL rất khó mua đủ con giống thả nuôi với diện tích ao lớn.
Đàn cá tra hiện nay đang bị hao hụt nặng do cá giống chất lượng chưa cao, hay xảy ra nhiều loại bệnh thường gặp vào mùa mưa như: bệnh xuất huyết, sán lá, gan, thối đuôi, phù đầu...
Người nuôi cá tra thương phẩm vùng ĐBSCL đang chịu áp lực nặng bởi con giống và thức ăn giá tăng vọt. |
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) diện tích ương dưỡng cá tra giống của vùng ĐBSCL hàng năm đạt khoảng 6.000 ha, nhiều nhất ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang. Không chỉ cá giống giá cao mà người nuôi thủy sản này đang "gánh nặng" bởi giá thức ăn liên tục tăng, kéo nguồn thu nhập giảm xuống.
Ông Nguyễn Văn Đời, hộ chuyên nuôi cá tra tại cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Giống hiện nay lên giá, mẫu 30 con giá gần 40.000 đồng/kg, 50.000 đồng/kg thì loại nhỏ nữa. So với tháng rồi giá có nhích lên khoảng 6.000 đồng/kg, giống lúc này rất khó mua, giống khan hiếm. Năm nay, giống càng bị thối hóa khó nuôi quá, hao hụt tính đến khi thu hoạch khoảng 30%. Thức ăn thì tăng giá quá, từ đầu năm đến nay giá tăng khoảng 30%, tạo áp lực lắm”
Chất lượng giống cá tra bị thả nổi
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến cuối tháng 7-2022, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953,7ha, sản lượng cá tra bột, cá tra giống sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và hơn 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy sản xuất cá tra giống cơ bản đáp ứng nhu cầu diện tích nuôi hiện tại nhưng điều đáng lo ngại là chất lượng con giống chưa bảo đảm.
Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mừng Liên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Tình hình sản xuất giống cá tra ngày càng khó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình giữa ngày và đêm chênh lệch lớn cùng với chất lượng nguồn nước suy giảm. Tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 15%, thậm chí một số nơi tỷ lệ này chỉ dao động 10-12%”.
Chất lượng nguồn giống không cao dẫn đến dịch bệnh trên cá tra nuôi xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, thời gian nuôi kéo dài hơn. Nếu năm 2021, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 32 xã của 13 huyện thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với diện tích 501ha thì 7 tháng đầu năm 2022, con số thiệt hại ghi nhận trên 300ha, tại 53 xã thuộc 18 huyện của 3 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) |
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến chất lượng cá tra không bảo đảm, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “Những năm giá cá tra giống tăng cao, các hộ sản xuất ép cho cá đẻ sớm, đẻ nhiều lần trong năm, sử dụng cá bố mẹ không rõ nguồn gốc, cá cận huyết dẫn đến chất lượng cá giống kém, tỷ lệ dị hình cao, chậm lớn, sức đề kháng kém. Một số hộ nuôi cá giống tìm cách giữ đầu con bằng mọi giá nên đã lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh cho cá trong quá trình ương nuôi. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng cá giống ngày càng giảm sút, đến khi nuôi thương phẩm khả năng mắc bệnh sẽ cao và khó điều trị hơn”.
Theo các chuyên gia thủy sản, dù sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ 500 triệu con vào năm 2000 lên gần 16 tỷ con hiện nay nhưng sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống không cao. Nguyên nhân là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương đang giảm.
Chất lượng cá tra giống là yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng thịt, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Để chất lượng tỷ lệ thuận với sản lượng ương giống thì việc tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác-liên kết-thị trường” là điều cấp thiết./.