Cây mùi còn được gọi là mùi ta, ngò, ngò rí, hồ tuy, nguyên tuy, hương tuy |
Đã từ lâu, thói quen đun nước mùi già để tắm vào dịp Tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá của người Việt.
Theo quan niệm của người xưa, tắm nước lá mùi để xua tan những chuyện không may mắn trong năm cũ, để chuẩn bị đón một năm mới nhiều ý nghĩa hơn, cầu nhiều tài lộc, may mắn. Cũng có người đơn thuần mua mùi già về đun chỉ để được đắm mình trong mùi hương dễ chịu, đầy hoài niệm.
Cây mùi còn được biết đến với các tên gọi như: Mùi ta, ngò, ngò rí, hồ tuy, nguyên tuy, hương tuy... là loài cây thân thảo, thuộc họ hoa tán. Từ bao đời nay, loại rau gia vị ấy đã quá đỗi thân thuộc với người dân nước Việt mình. Bát canh măng miến, đĩa thịt xào, đĩa nộm đu đủ hay nộm hoa chuối... trong bữa cơm ngày thường cũng như mâm cỗ ngày Tết mà không có vài cọng rau mùi rắc lên thì coi như kém ngon mất một nửa rồi.
Mùi già, là cây rau mùi (trong miền Nam gọi là cây ngò rí) để cho già đi, cao ngồng, chi chít những chùm quả nhỏ, ngào ngạt hương thơm. Giống cây gì mà đặc biệt đến lạ, cách vài bước chân đã ngửi thấy mùi thơm. Chỉ cần đưa bó mùi lên mũi, hít hà thì chao ôi mùi thơm thảo dược như xua tan hết mệt mỏi một ngày, dù là chợ 30 Tết đông đúc tới đâu, nắng hanh hao hay mưa dầm sùi sụt.
Người miền Bắc không dùng mùi già để ăn, mà để nấu nước tắm, rửa mặt, xông người, trong dịp đặc biệt nhất trong năm, chiều ngày 30 Tết. Mùi già mua về, rửa sạch bụi đất dưới vòi nước chảy to không để nát lá rồi cho vào nồi nước thật lớn, bắc lên bếp, để rồi từ lúc trong nồi nhả khói tới khi nước sôi sùng sục, mùi thơm cảm giác như đã bay khắp bảy gian nhà ba gian bếp. Vừa nấu xôi, cắm hoa, bóc bánh chưng làm cỗ vừa hít hà mùi thơm ấy chẳng gì dễ chịu bằng.
Những xe chở ngồn ngộn những bó mùi già đứng chen giữa chợ |
Chợ ngày Tết, giữa bạt ngàn những loại hoa, rau củ quả, thịt thà, dưa hành… là những xe chở ngồn ngộn những bó mùi già đứng chen giữa chợ. Những xe mùi già hết rất nhanh, người đi chợ ai cũng nhanh tay mua 5-10 nắm, người bán, người mua đều hỉ hả, mua bán nhanh nhảu, không mặc cả, không thêm bớt.
Theo người già trong nhà, quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.
Dường như khi tắm thứ nước lá mùi này, mọi vận đen đủi, muộn phiền lo lắng trong năm cũ được gột bỏ, chỉ còn lại đó một cảm giác sảng khoái, sẵn sàng đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn hơn.
Hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.
Nhưng ẩn sau đó, hương thơm của lá mùi già còn khiến cho mỗi người lưu luyến, vấn vương nhớ về mùi hương của cội nguồn, quê hương mình.
Vậy nên, Tết dù sắm sang đủ đầy đến mấy mà chưa mua chục bó mùi già, về đun nồi nước cho cả nhà tắm, là vẫn thiếu.
Nước mùi già – hương vị ngày Tết |
Hôm nay, ngày làm việc cuối cùng của năm cũ, mấy chị em cơ quan ngồi hàn huyên với nhau, ai cũng than năm nay “không thấy không khí Tết”. Cũng bởi lẽ cuộc sống ngày nay đã đủ đầy nên mọi người không còn “ngóng” Tết như xưa, những thứ quà ngày xưa chỉ Tết mới có thì giờ bán quanh năm ngày tháng, bánh chưng lúc nào cũng đầy sạp, giò chả thịt thà lúc nào cũng tú hụ trong các chợ và siêu thị, bánh mứt tràn ngập khắp các cửa hàng và “ online”, quần áo mới thì như một lẽ dĩ nhiên, chợ họp đến chiều 30, có khi sáng mùng 1 đã có nhà mở hàng.
Bất chợt, tôi nghe thấy tiếng rao “Ai mùi đi… mùi già đây, mùi già tắm ngày Tết đây…” văng vẳng nơi đầu chợ, trong tôi lại thổn thức về Tết xưa khi tôi còn bé, sáng mùng 1 Tết, khi cả nhà thức giấc, đã thấy thơm ngát mùi nước lá mùi. Mẹ gọi ba anh em tôi xuống bếp rửa mặt, rửa tay để lấy may, đón những điều tốt đẹp. Những ngày đầu năm rét buốt, ngửi mùi thơm ngan ngát dễ chịu của nồi nước ấm đã thấy tinh thần tỉnh táo, sảng khoái.
Nhiều người vẫn hỏi nhau, Tết có mùi vị gì? Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Người sẽ nhớ mùi hồ của bộ quần áo mẹ mới mua. Người nhớ mùi ấm nồng từ bếp luộc bánh chưng bên ánh than hồng rực. Mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt ba chỉ. Người nhớ mùi nhang trầm, người cho là mùi thịt kho tàu, hay dưa hành củ kiệu. Còn với tôi, hương mùi già là hương Tết, chỉ cần thấy hương lá mùi già, tết đã về ngang cửa.
Loại hoa được nhiều người "săn lùng" và "chào đón" dịp Tết đến xuân về |
Làng làm hương truyền thống tại xứ Thanh hối hả những ngày giáp Tết |
Về nơi gói hương vị tết trong lá xanh nếp trắng đỗ vàng |