Những "thủ phạm" gây hôi miệng ẩn chứa trong chính bữa ăn của bạn Bí quyết giảm hơi thở có mùi sau khi uống rượu, bia ngày Tết Những cách đánh răng có thể làm hỏng răng và gây hôi miệng |
Sâu răng
Sâu răng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Đây là bệnh lý phổ biến khi vi khuẩn có hại tấn công men răng, phá hủy cấu trúc răng và tạo ra mùi khó chịu. Sâu răng thường xuất hiện ở các vị trí khó làm sạch như kẽ răng, răng hàm hoặc mặt trong răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
![]() |
Sâu răng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. |
Giai đoạn đầu thường không gây đau vì vi khuẩn chưa tấn công đến tủy răng, khiến người bệnh dễ chủ quan. Để phòng ngừa, nên khám răng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện và xử lý kịp thời.
Các vấn đề về tiêu hóa
Những rối loạn tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc loét dạ dày có thể gây ra hơi thở có mùi. Trào ngược khiến axit từ dạ dày trào lên thực quản, gây vị chua, nóng rát và hơi thở nặng mùi. Người bị GERD có nguy cơ hôi miệng cao hơn do dịch axit thường xuyên tiếp xúc với khoang miệng, làm mất cân bằng môi trường miệng.
Uống ít nước
Cơ thể thiếu nước sẽ giảm tiết nước bọt – yếu tố giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mùi. Nước bọt không chỉ bảo vệ răng miệng mà còn giữ ẩm và loại bỏ tế bào chết. Khi lượng nước bọt giảm, các tế bào chết tích tụ và phân hủy trong khoang miệng, tạo ra mùi hôi khó chịu.
Vôi răng (cao răng)
Vôi răng hình thành từ mảng bám thực phẩm lâu ngày không được làm sạch, là nơi vi khuẩn phát triển và tạo ra mùi hôi. Không chỉ gây hôi miệng, vôi răng còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, thậm chí có thể gây lung lay và mất răng nếu không điều trị kịp thời. Để phòng tránh, cần đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa và lấy vôi răng định kỳ tại nha khoa.
Nhiễm trùng ở hệ hô hấp
![]() |
Các bệnh như viêm xoang, viêm phế quản hay viêm phổi có thể làm phát sinh vi khuẩn trong đường hô hấp. |
Các bệnh như viêm xoang, viêm phế quản hay viêm phổi có thể làm phát sinh vi khuẩn trong đường hô hấp. Khi vi khuẩn này phân hủy chất hữu cơ, chúng tạo ra các hợp chất có mùi khó chịu, đặc biệt là hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSCs), khiến hơi thở có mùi hôi dai dẳng.
Sỏi amidan
Amidan là cơ quan miễn dịch nằm ở phía sau họng, nơi thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn. Khi amidan bị viêm hoặc tích tụ mảnh vụn thực phẩm, chúng có thể tạo thành các viên sỏi nhỏ, gọi là sỏi amidan. Những viên sỏi này là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và tạo ra khí sulfur – nguyên nhân gây ra mùi hôi khó chịu trong hơi thở. Tình trạng này còn có thể đi kèm sốt, đau họng, buồn nôn hoặc ù tai.
Không vệ sinh lưỡi
Lưỡi là nơi tập trung nhiều vi khuẩn, mảng bám và tế bào chết. Nếu chỉ đánh răng mà bỏ qua bước làm sạch lưỡi, vi khuẩn vẫn sinh sôi và tạo mùi hôi. Việc chải lưỡi nhẹ nhàng mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ các tác nhân gây mùi và mang lại hơi thở dễ chịu hơn.
Tiểu đường
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa làm tăng lượng đường trong máu, khiến vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh mẽ. Những vi khuẩn này kết hợp với thức ăn tạo ra mảng bám gây viêm nướu và hơi thở có mùi. Khi cơ thể không sử dụng được glucose, nó sẽ chuyển sang đốt chất béo, tạo ra các hợp chất gọi là ketone. Một trong số đó là acetone – chất có mùi tương tự sơn móng tay, gây mùi khó chịu trong hơi thở.
Thực phẩm gây mùi
![]() |
Một số loại thực phẩm như hành, tỏi, sầu riêng, rượu, bia và rau mùi chứa các hợp chất dễ bay hơi, có thể bám lâu trong khoang miệng dù đã đánh răng. |
Một số loại thực phẩm như hành, tỏi, sầu riêng, rượu, bia và rau mùi chứa các hợp chất dễ bay hơi, có thể bám lâu trong khoang miệng dù đã đánh răng. Ngoài ra, đồ ăn nhiều đạm, mỡ và gia vị mạnh cũng góp phần tạo ra hợp chất sulfur trong quá trình tiêu hóa, làm hơi thở có mùi nặng hơn.
Hút thuốc lá
Thuốc lá không chỉ làm răng ố vàng và gây khô miệng mà còn làm giảm khả năng lưu thông máu trong mô nướu, làm tăng nguy cơ mắc viêm nha chu. Những yếu tố này kết hợp lại gây ra tình trạng hôi miệng kéo dài, ngay cả khi người hút đã vệ sinh răng miệng cẩn thận.
Rối loạn chức năng gan
Khi gan không hoạt động bình thường như trong các bệnh lý xơ gan, gan nhiễm mỡ... các độc tố không được chuyển hóa và tích tụ trong cơ thể, một phần được giải phóng qua hơi thở, gây ra mùi hôi đặc trưng. Đây là dấu hiệu thường gặp ở những người có chức năng gan suy giảm.
Bệnh thận
Suy thận khiến cơ thể không thể loại bỏ chất thải như urê qua nước tiểu. Khi urê tích tụ trong máu và nước bọt, nó bị chuyển hóa thành amoniac – chất gây mùi khai và đắng trong khoang miệng. Hơi thở có mùi amoniac là dấu hiệu thường thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính.
![]() |
![]() |
![]() |