![]() |
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra |
Theo nguồn tin từ Công an xã Sơn Trà (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đơn vị vừa phát hiện 1,2 tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc tại nhà bà Nguyễn Thị Lương (trú tại thôn 4, xã Sơn Trà).
Làm việc với cơ quan chức năng, Phan Nhật An (SN 1986, HKTT tại khu phố 4, phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; tạm trú tại thôn 4, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn; là con rể của bà Lương) khai nhận, toàn bộ số hàng hoá nói trên do bản thân đã thu mua tại địa bàn huyện Hương Sơn và các huyện lân cận như Đức Thọ, Can Lộc... để về bán kiếm lời.
Điều đáng nói, Phan Nhật An từng bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý với hành vi tương tự như trên.
![]() |
Số mỡ động vật được đóng trong các bao tải. |
Trước đó, ngày 5/9/2022, Công an huyện Hương Sơn phối hợp với Công an các xã Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Bình, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh) phát hiện một thanh niên có những hoạt động nghi vấn tại nhà bà Nguyễn Thị Lương, trú tại thôn 4, xã Sơn Trà.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Lương có 9 bao tải màu đỏ và 24 bao tải màu xanh đựng mỡ bò (khoảng hơn 1 tấn) đã được chế biến.
Qua trình làm việc, toàn bộ số mỡ bò nói trên là của Phan Nhật An đi thu mua tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh để chế biến rồi bán kiếm lời.
Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản để tiến hành tiêu hủy, đồng thời hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Thực phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. |