Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội vừa đánh giá kết quả công tác đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn thành phố, từ năm 2019 đến nay.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản áp dụng Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2020, Chi cục đã lựa chọn, hỗ trợ 25 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP. Qua đó, nâng tổng số cơ sở được hỗ trợ lên 47 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản đã xây dựng, áp dụng và chứng nhận Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP.
47 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông sản đã xây dựng, áp dụng và chứng nhận Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 100% doanh nghiệp được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã xây dựng và áp dụng Chương trình quản lý chất lượng theo GMP và SSOP. Cùng với đó, để nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, Chi cục phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ 20 cơ sở thiết kế logo, xây dựng bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm, nộp hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi an toàn, thời gian tới, Chi cục tiếp tục hỗ trợ khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sâu thực phẩm nông sản có áp dụng các Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo ISO 22000, HACCP, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở... Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư nhà xưởng, thiết bị, công nghệ vào lĩnh vực chế biến sâu, bảo quản và logistics sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng tích cực kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ đầu mối quốc tế nông sản và các chợ đầu mối vệ tinh có tích hợp đầy đủ các chức năng, dịch vụ hiện đại như khu sơ chế chế biến, bảo quản, kiểm dịch, kiểm định, chứng nhận ATTP, dịch vụ logistic và các dịch vụ phụ trợ đồng bộ từ đó thúc đẩy tiêu thụ tốt các sản phẩm nông sản an toàn...
Liên quan đến vấn đề này, cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT đã thực hiện thẩm định, xếp loại 90 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản. Kết quả, 58 cơ sở xếp loại B (chiếm 64,5%). 28 cơ sở xếp loại C (chiếm 31,1 %), 4 cơ sở không đánh giá (chiếm 4,4%). Thực hiện cấp 60 GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, 7 GCN cho cơ sở chế biến thực phẩm nông sản.
Sở NN&PTNT đã thực hiện thẩm định, xếp loại 90 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản
Cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tổ chức 16 buổi xác nhận kiến thức về ATTP cho 600 lượt người là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh nông sản, đạt tỷ lệ 100% hồ sơ đã tiếp nhận. Thẩm định định kỳ 22/210 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản. Kết quả, 18 cơ sở xếp loại B đều duy trì được điều kiện đảm bảo ATTP, 4 cơ sở ngừng hoạt động.
Dự kiến, đến cuối tháng 6, sẽ thẩm định định kỳ tổng số 76/210 cơ sở. Bên cạnh đó, đã thực hiện kiểm tra 9 bộ hồ sơ ATTP muối nhập khẩu với 1.560 tấn muối được thông quan; tiếp nhận 20 bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản an toàn của 20 cơ sở kinh doanh bao gói sẵn.
Công tác tiếp nhận, hậu kiểm tự công bố sản phẩm cũng được cơ quan chức năng Sở NN&PTNT Hà Nội chú trọng quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện tiếp nhận 379 bộ hồ sơ và đăng tải lên Website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành Nông nghiệp tuyến thành phố quản lý, đạt 100% hồ sơ đã tiếp nhận.
Tiêu chuẩn HACCP là gì?
Tiêu chuẩn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) là hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua nhận biết mối nguy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại các điểm tới hạn. Các nguyên lý của HACCP được thống nhất trên toàn thế giới và có thể áp dụng trong tất cả các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, trong việc phân phối và bán sản phẩm. Hệ thống này có thể được áp dụng cho các sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường cũng như cho các sản phẩm mới.
HACCP ra đời từ thập niên 60 cùng với chương trình vũ trụ của cơ quan NASA Mỹ nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các phi hành gia khi phóng tàu vũ trụ Columbia lên không trung. Năm 1971, HACCP bắt đầu được áp dụng trong ngành thực phẩm tại Mỹ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua kiểm soát các mối nguy, sau đó HACCP nhanh chóng chở thành một hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Minh Nhật