Thủ phủ vải thiều Bắc Giang đón nhận tin vui, cánh cửa xuất khẩu thêm rộng mở Vải thiều Thanh Hà chính vụ sắp vào kỳ thu hoạch Hải Dương: Vải thiều Chí Linh được mùa |
Vải u hồng vào vụ |
Vải u hồng có nguồn gốc từ Hải Dương, là giống vải chín sớm có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, thích hợp với nhiều loại đất trồng như vùng đất nhẹ, đất pha cát, pha sét. Quả khi chín có màu đỏ hồng hình trái tim, cuống quả sâu xuống dưới, vải quả nhô cao nên khi bổ theo chiều dọc quả thì mép trên có hình chữ U (nên có tên là vải U Hồng).
Giống vải này có đặc điểm phát triển ít, cành tăm hương, cành thưa. Lá to, dài và có màu xanh sáng. Cây sinh trưởng mạnh. Cuống hoa dài, bông thưa, từ cuống hoa đến nụ hoa phủ lớp lông màu nâu.
Quả mọc thưa và khoe quả. Thuộc nhóm giống có quả to trung bình, khối lượng 30-35 quả/kg. Khi chín vỏ quả mỏng, vai quả có màu hồng đỏ tươi, phần cuối quả màu vàng hoặc xanh sáng. Quả khi còn xanh hơi chua, khi chín quả ngọt vừa. Tỷ lệ cùi ăn được chiếm từ 55-60%. Năng suất cùng độ tuổi trung bình thường bằng 2/3 so với giống vải chính vụ, năng suất khá ổn định và ít chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh.
Anh Nguyễn Trọng Hải (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) sở hữu vườn vải rộng hơn 3 ha với hơn 1.200 cây vải u hồng được trồng từ 15-20 năm trước. Vườn này được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Krông Pắc đánh giá lâu năm nhất trên địa bàn.
Anh Hải cho biết, trung bình 1 ha cho năng suất từ 15-20 tấn. Với giá bán từ 25-30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, anh Hải thu lợi từ 350-400 triệu đồng/héc-ta.
Lợi nhuận từ cây vải mang lại khá cao. Tuy nhiên, theo anh Hải, loại cây này khá khó tính, đầu ra mới chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi nên cũng rủi ro. “Có năm, vườn vải nhà tôi không đậu được quả, mất trắng. Có thời điểm như đại dịch COVID-19, vải không bán được, để rụng cả vườn. Tôi từng nghĩ đến việc chế biến sâu loại quả này nhưng mỗi mình thì không thể”, anh Hải suy tư.
Công nhân thu hoạch vải u hồng |
Nói về cơ duyên gắn bó với cây vải, anh Hải cho biết, cách đây 20 năm, từng thưởng thức vị ngọt của vải thiều trên đất Tây Nguyên. “Thời điểm đó, một số người từ Bắc vào Đắk Lắk đã mang theo và trồng cây vải trước nhà. Điều này khiến tôi tò mò và ý tưởng trồng cây đặc sản xứ lạnh trên vùng đất đầy nắng và gió xuất hiện”, anh Hải nhớ lại.
Với 3 ha đất, anh Hải trồng đủ giống vải và cuối cùng chọn được giống phù hợp mang tên vải u hồng. “Việc khó nhất là làm sao để cây vải ra hoa, đậu quả. Bởi loại cây này chỉ ra hoa, đậu quả ở nhiệt độ thấp (từ 14-17 độ C). Miền Bắc có nhiều đợt lạnh, còn Tây Nguyên, duy nhất vào thời điểm cuối tháng 12 dương lịch. Người trồng vải phải bắt cơ hội này, nếu không sẽ mất mùa”, anh Hải chia sẻ.
Cũng nhờ cây vải, gia đình chị Hoàng Thị Thu Hương (xã Đắk Đrô, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã đổi đời. Chị Hương cho biết, trước đây, nhà chị trồng cây điều, song hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm nào được mùa nhất, gia đình cũng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng nên tính chuyện chuyển đổi cây trồng.
Sau khi tham quan nhiều nơi với nhiều mô hình khác nhau, chị quyết định thay thế cây điều bằng giống vải u hồng vào năm 2014. Do là loại cây mới nên hầu như ngày nào vợ chồng chị cũng có mặt ở vườn vải để chăm sóc, quan sát quá trình phát triển của cây. Chị cũng chịu khó tìm hiểu, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, hạn chế dùng thuốc hóa học.
Sau 4 năm trồng, chăm sóc, gia đình chị đã thu được quả ngọt. Với 3 ha vải, mỗi năm, gia đình chị thu khoảng 60 tấn quả. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg, sau khi đã trừ các khoản chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình chị Hương thu được gần 1 tỷ đồng/năm.
Nhờ cây vải, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Ngoài thu nhập từ việc bán quả vải, chị Hương còn chiết cành, bán giống và chia sẻ kinh nghiệm trồng cho nhiều người dân.