Trong dòng chảy phát triển
![]() |
Làng nghề Thiết Úng trở thành một điểm du lịch của Hà Nội. |
Mới đây, các nghệ nhân và đông đảo các tầng lớp nhân dân xã Vân Hà vui mừng khi UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1567/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng nghề gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh. Làng Thiết Úng còn gọi là làng Ống, cổ xưa còn được gọi là Phường Xa Lập hay Xa Lập Phường nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ truyền thống.
Từ xa xưa, thợ thủ công ở làng Thiết Úng đã tổ chức thành từng nhóm thợ đi tới từng vùng quê trong cả nước để xây dựng sản xuất. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề Thiết Úng luôn giữ gìn những nét tinh hoa nghề truyền thống của cha ông để lại.
Chia sẻ về sự phát triển của làng nghề, ông Đào Công Trung - Trưởng thôn Thiết Úng (xã Vân Hà) cũng là một trong những nghệ nhân gỗ mỹ nghệ giỏi của làng nghề cho biết, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân của thôn Thiết Úng đã từng được triệu vào cung để tham gia xây dựng các công trình cung điện, lăng tẩm cho hoàng gia. Nhờ sự tài tình, khéo léo, tay nghề cao mà nhiều nghệ nhân của làng nghề Thiết Úng đã được triều đình ban sắc phong “Cửu phẩm bá hộ” (một chức quan vào triều đình nhà Nguyễn).
Vân Hà là làng nghề sản xuất gỗ nổi tiếng của huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, làng nghề này chuyển mình rõ nét, sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghề gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện tại, toàn xã Vân Hà có 60% số hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và làm nghề chạm khắc gỗ. Các cơ sở sản xuất được phân bố tại 5 thôn trong xã. Đặc biệt, xã có 14 nghệ nhân được UBND TP. Hà Nội công nhận; 48 thành viên là đại diện các hộ sản xuất và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn…
Tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. Sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đa dạng về chủng loại, từ nội thất (tủ, đồ thờ, bàn ghế) đến các bức tượng, tranh phù điêu... Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền ở thôn Thiết Úng, trải qua hàng trăm năm phát triển, cha truyền con nối, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường với những nét đặc trưng riêng. Dù đến nay, hầu hết cơ sở đều đầu tư máy móc trong sản xuất song có những tác phẩm chỉ có đôi tay nghệ nhân mới tạo nên. Để hòa nhập xu thế phát triển, làng nghề gỗ Vân Hà chủ động có nhiều giải pháp giữ nghề và phát triển nghề. Các hộ sản xuất tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thiết kế mẫu sản phẩm phong phú, phù hợp nhu cầu, thị hiếu khách hàng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu sản phẩm du lịch TP. Hà Nội và quốc gia. Ngoài ra, làng nghề còn tổ chức các hoạt động định hướng, truyền dạy nghề tại chỗ cho thế hệ trẻ song song với học văn hóa tại các trường trên địa bàn. Làng nghề cũng chú trọng đẩy mạnh công nghệ 4.0 trong thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội...
Phát triển làng nghề bền vững
![]() |
Làng Thiết Úng đã được UBND TP. Hà Nội trao Bằng công nhận "Làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống" năm 2010. |
Ông Đỗ Văn Cường - Chủ tịch Hội làng nghề Thiết Úng (xã Vân Hà) cho biết, sản phẩm đồ gỗ của nghệ nhân nơi đây đa dạng về chủng loại, từ nội thất (tủ, đồ thờ, bàn ghế) đến các bức tượng, tranh phù điêu... Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Một số sản phẩm của nghệ nhân làng nghề đã đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Được biết, để thúc đẩy phát triển làng nghề Thiết Úng, thời gian qua, huyện Đông Anh đã quy hoạch, phát triển chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà, khu sản xuất, trưng bày sản phẩm, từng bước đưa mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà hoạt động hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Hảo - Chủ tịch UBND xã Vân Hà phấn khởi cho biết, với sự quan tâm của TP. Hà Nội, chính quyền kỳ vọng làng nghề Thiết Úng sẽ trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện, giàu bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá di sản văn hóa tại quê hương. Trong thời gian tới, UBND xã Vân Hà sẽ phối hợp với các sở ngành thực hiện tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng và khai thác điểm du lịch làng nghề Thiết Úng theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Theo đó, UBND xã Vân Hà có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài chính, Công an TP. Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, xã Vân Hà có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng Điểm du lịch làng nghề gỗ mỹ nghệ theo đúng quy định, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả.