Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng muối tối đa mà một người trưởng thành có thể tiêu thụ là 5g/ngày. Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối của mỗi người trưởng thành tại Việt Nam khoảng 9,4g muối/ ngày, gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo.
Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch.
Mọi người thường nghĩ rằng việc cắt giảm lượng muối tiêu thụ là điều chúng ta nên quan tâm hơn khi già đi. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đều cho rằng, với những nhịp sống của thời hiện đại như các món ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, lượng muối ăn trẻ em tiêu thụ hiện nay cũng khá nhiều và về lâu dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
TS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, ung thư dạ dày, đột quỵ, tai biến mạch máu não, loãng xương và rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Theo số liệu điều tra mới nhất của Bộ Y tế, hiện nay trung bình mỗi người hàng ngày vẫn đang ăn thừa gấp đôi lượng muối theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Dinh dưỡng. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân, hãy bắt đầu thực hiện việc giảm muối trong chế độ ăn của gia đình ngay từ khi lên kế hoạch đi chợ và nấu ăn.
Chọn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến và ăn nhiều rau, trái cây
Một mô hình ăn uống lành mạnh cho sức khỏe gia đình bạn là tuân thủ chế độ ăn uống dựa trên thực phẩm nguyên hạt, ít chế biến với nhiều rau và trái cây. Những thực phẩm này thường ít muối hơn so với thực phẩm chế biến sẵn. Càng chế biến nhiều càng có nhiều khả năng muối được thêm vào trong quá trình chế biến.
Một mẹo khi đi mua sắm thực phẩm, khoảng 40% giỏ hàng của bạn nên là rau và trái cây. Trái cây và rau quả tươi, đông lạnh, đóng hộp đều là những lựa chọn tuyệt vời. Nếu sử dụng rau củ đóng hộp, chỉ cần nhớ rửa qua với nước lọc hoặc để ráo nước ướp trong lọ rau đóng hộp.
Kiểm tra kỹ nhãn thực phẩm trước khi mua
Khi bạn chú ý so sánh các sản phẩm, thật ngạc nhiên khi thấy mức độ natri có thể khác nhau nhiều như thế nào giữa các sản phẩm tương tự. Hãy quan tâm hơn tớiBảng thông tin dinh dưỡng in trên từng sản phẩm và lựa chọn loại thực phẩm có lượng natri thấp nhất.
Sử dụng các loại thảo mộc, gia vị, tỏi và cam quýt thay cho muối
Mặc dù hầu hết lượng muối chúng ta ăn đến từ thực phẩm chế biến và đóng gói, nhưng bạn có thể dễ dàng thêm nhiều hương vị cho bữa ăn của mình bằng cách sử dụng các loại thảo mộc, gia vị và cam quýt (chanh hoặc vỏ chanh), nước xốt và giấm thay cho muối. Dần dần thêm ít muối vào công thức nấu ăn yêu thích và thay thế bằng thảo mộc, vị giác của bạn sẽ thích nghi theo thời gian.
Cắt giảm thịt chế biến, thực phẩm hun khói và đồ mặn
Một cách đơn giản khác để giảm lượng muối ăn vào là cắt giảm thực phẩm mặn và chọn nhiều thực phẩm nguyên chất, ít chế biến hơn.
Do 70 -80% lượng muối trong chế độ ăn của chúng ta được thêm vào trong quá trình chế biến và khi ăn vì vậy nên giảm tối đa lượng muối và gia vị chứa nhiều muối trong khi nấu ăn và khi ăn.
Hãy tự nấu ăn ở nhà để có thể chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào một cách tốt nhất. Điều này cũng có thể giúp bạn được chi phí vì đồ ăn đi mua đắt hơn nhiều so với đồ ăn tự nấu.