Bánh chưng nhân cá chép, với người Tày ở Bắc Kạn, là một món ăn truyền thống. Cứ đến rằm tháng 7 là nhà nhà cùng gói bánh. Những hạt nếp mới, những chiếc lá dong xanh mướt, thịt chép trắng mịn đã làm nên một món ngon.
Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, ở huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, không biết bánh chưng nhân cá chép có từ bao giờ, nhưng cứ vào dịp rằm tháng 7 các gia đình người Tày lại tổ chức cúng rằm và trên mâm cỗ cúng rằm không thể thiếu món bánh này:
"Mình thả cá ở dưới ruộng. Tháng 5, tháng 6 trồng lúa. Gần đến rằm tháng 7, khoảng ngày 11-12 thì người ta thường tháo ruộng và mang cá về để ngâm cho nó sạch sẽ. Đến 13-14, bắt đầu làm bánh. Cá chép này có mùa đấy. Cá chép thả ở ruộng nó mới ngon, các ông các bà truyền lại chỉ làm cá chép ruộng thôi. Mùa tháng 7, không có cái bánh chưng nhân cá chép, cảm thất khó chịu".
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại không dùng thịt mà lại dùng cá làm nhân bánh? Điều này được ông Mông Văn Hoàng, ở Định Hóa, Thái Nguyên, giải thích:
"Không phải gia đình nào cũng có điều kiện thịt lợn. Ngày xưa không phải lúc nào muốn gói bánh là thịt lợn, thì từ đó mới thử các loại thực phẩm khác. Các cụ gói nhiều loại thực phẩm, thấy cá chép gói bánh chưng thì mùi thơm rất quyến rũ. Thông thường, một nồi bánh luộc từ 6-8 tiếng, khi ướp cá và đưa cá vào làm nhân, như hầm cá rồi. Con cá chép bằng 2 ngón tay, làm nhân bánh, thì nó nhừ và mùi vị khi được ướp tẩm rất là thơm".
Bánh chưng nhân cá chép, người Tày gọi là pẻng hó, hay bánh gù. Nếu về những làng bản của người Tày vào đúng dịp rằm tháng 7, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức món bánh này. Với vị ngon đặc biệt, bánh chưng nhân cá chép đã trở thành sản phẩm hàng hóa.
Chiếc bánh nhân cá chép là loại bánh mà người Tày sáng tạo ra từ sự khó khăn của cuộc sống. Theo ông Mông Văn Hoàng, ngoài cá chép ra thì không loại cá nào có thể thích hợp hơn để làm bánh chưng. Cá chép để làm nhân thường chỉ bằng 2 ngón tay. Khi đã chọn được cá vừa tầm, khâu làm sạch cá quyết định rất lớn đến chất lượng bánh.
Cá bắt về được cho vào rọ to ngâm nước sạch cho nhả hết bùn bẩn. Trước đây, người Tày thường sử dụng củ và lá gừng để ướp cá. Ngày nay gia vị đầy đủ hơn thì sự kết hợp cũng có chút biến tấu, thêm hạt tiêu cho miếng cá đậm vị cay nồng.
Lá dong ở miền rừng vốn sẵn. Chọn lá bánh tẻ. Gạo thì chọn gạo vải (gạo nếp cao) thì mới ngon, ít khi dùng gạo nếp nương vì độ dẻo, độ kết dính kém so với gạo vải. Bánh phải được đun bằng củi chứ không dùng bất kỳ hình thức đun nào khác.
"Bếp là bếp âm cho nên khi đun nấu có cây củi gọi là “vựn câu” rất to. Có những nhà, chỉ có cây củi đó thôi, có thể giữ một hai tháng không phải đi xin lửa. Bánh bao giờ cũng phải luộc từ 6-8 tiếng" - ông Hoàng nói.
Bánh chín, vớt ra dậy mùi nếp mới, thơm mát lá dong hòa cùng vị béo của cá chép đã nhừ, hấp dẫn đến lạ lùng. Bánh sau khi luộc có thể để được 10 ngày, còn nếu trời lạnh có thể để được cả tháng. Nhiều gia đình dùng phương pháp cổ truyền, buộc chùm và thả xuống giếng, có thể để được 2-3 tháng, vớt lên luộc lại vẫn ăn được.
Món bánh chưng nhân cá chép được nhận xét khá kén người ăn nhưng nếu ăn quen sẽ thấy thích thú bởi hương vị khác biệt, khó tìm thấy ở bất cứ đâu.
Vì món bánh này chưa phổ biến, gần như chỉ có ở 2 huyện Na Rì và Ba Bể ở Bắc Kạn nên ít được du khách biết tới. Và mỗi năm, người Tày ở đây chỉ làm bánh vào rằm tháng 7 nên nếu thực khách muốn thưởng thức bánh chưng nhân cá chép thì phải đặt trước mới có.