Hàng bánh mì cá nục ở Sài Gòn, “núp lùm” vẫn nườm nượp khách tìm đến |
Hàng bánh mì gia truyền từ mẹ
Hàng bánh mì cá của dì Oanh nằm tuốt ở trong một con hẻm nhỏ địa chỉ 229/53 Bùi Đình Tuý, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Nếu như không ngụ ý đi tìm hàng bánh mì nức tiếng ở trong khu thì chẳng có ai nghĩ đến con hẻm sâu mà không có một cửa hàng, nhà nào cũng đóng cửa then cài lại có một hàng bánh mì ở đó thơm phức suốt 30 năm qua.
Hàng bánh mì này cũng lạ, thay vì tủ bánh mì cao quá người thường thấy thì ở đây chỉ có độc một chiếc bàn inox đặt trước thềm nhà, trên bàn có chiếc nồi điện hầm cá, một tô mắm và một tô cải chua, một tô mỡ hành, một chiếc tủ kính để đựng rau, giỏ cần xé tre đựng bánh mì không. Quán hàng này làm gợi nhớ đến mấy dì ở nhà nội trợ là chính nên xế chiều bày bán bánh canh, mì quảng,… chừng khoảng 3 – 4 tiếng dành cho người trong xóm kiếm chút đỉnh đỡ buồn.
Dì Oanh cho biết: “Ngày xưa mẹ dì mở bán thử bánh mì nhồi cá kho cho mọi người ở trong hẻm ăn chiều, khi đó bán hai nghìn một ổ thôi mà bán láng giềng cho nên cũng chậm. Sau này thì dì bán thay cho mẹ, cứ bán riết thành chỗ quen, nhiều người xung quanh cứ đến ủng hộ rồi mới thành nguồn thu nhập chính cho đến hiện nay, cũng gần 30 năm rồi”.
Bánh mì cá nục ngon “nhức nách” |
Cũng theo dì Oanh, cái ý bán bánh mì cá kho là của mẹ, ban đầu cũng bán bánh mì xíu mại viên hầm, còn bì là dì tự bán thêm để có thể đa dạng ăn cho ngon thay vì ở ngoài đường người ta bán một ổ đầy đủ là chả giò, chả lụa, thịt nguội, pate,…
Làm món bánh mì cá kho ninh nhừ dĩ nhiên sẽ cực và tốn thời gian hơn bánh mì pate chả lụa dù cho có lời lãi cũng ngang bằng. Nhưng dì bán trong hẻm cho nên ai cũng phải chịu khó, bán món ở ngoài mặt tiền có đầy thì ai vào trong đây mua ăn làm gì nữa.
Ngoài ra, vì đây là món bánh mì lạ miệng, quán dì Oanh tồn tại hơn 30 năm chính bởi vì nồi cá kho công thức gia truyền được nấu khéo léo hợp vị, cá hầm nhừ xương nhưng thịt lại không hề vỡ, khi ăn dẫu để nguội cũng chẳng thấy tanh.
Dì Oanh tâm sự: “Khoảng 7 – 8h tối bán xong là dì sẽ dọn hàng đi chợ lấy cá về rửa sạch sẽ, nêm nếm rồi hầm với nước mía và nước dừa cho ngọt, liên tục khoảng 4 tiếng đồng hồ thì dì Oanh tắt bếp. Vào sáng sớm 6h sáng dì lại mở lửa lên để hầm liên tục cho đến 3h trưa, rồi tối lại hầm một đợt nhữ thế nữa là mai lại bán được rồi. Món cá này ngộ lắm, mình hầm thì phải mở lửa cho sôi chứ mà để hơi ấm ấm là sẽ hư hết một nồi lớn. Đồng thời thì trong thời gian hầm mình phải canh khi nào sôi thì châm nước liên tục, đến lúc hầm xong thì đợt sôi cuối đó phải để khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì mới tắt lửa, cá kho này mà thiếu lửa là sẽ đổ nhớt và hôi tanh liền. Nếu không biết nấu là sẽ lỗ chết”.
Khi đến hàng dì Oanh để mua bánh mì thì bạn sẽ thấy dì chạy ra vô liên tục bởi vì vừa bán lại vừa canh lửa cá hầm trong bếp. Dì Oanh cho hay: “Dì phải hầm hai nồi, hơn 600 con cá cho nên hơi bận tay bận chân, một nồi hầm tiếp để bán hôm nay, một nồi để bán cho ngày mau, bán hết nồi hôm nay thì đi chợ để hầm một nồi khác thay thế”.
Nồi cá kho đặc biệt
Nồi cá nục kho ngon tuyệt |
Nếu nói về điểm đặc biệt của bánh mì dì Oanh thì phải nói đến nồi cá nục, được nêm nếm theo công thức gia truyền và hầm cho đến khi rục xương. Theo lời kể, dì phải đi chợ mua cá vào khoảng 19h00 - 20h00 và mang đi rửa sạch, nêm nếm và hầm với nước mía và nước dừa để thịt được ngọt khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Vào buổi sáng thì dì lại tiếp tục hầm từ 06h00 sáng cho đến 15h00 và buổi tối lại tiếp tục hầm thêm một đợt nữa để cá được thấm đều và rục xương. Chỉ với món cá nục trứ danh này thôi mà dì có thể bán được đến hơn 300 ổ mỗi ngày.
Bánh mì cá nục được rất nhiều khách hàng yêu thích |
Ngoài món bánh mì cá nục nổi tiếng thì những topping còn lại như bì, chả lụa, pate, thịt nguội cũng được dì nêm nếm kỹ lưỡng, được mọi người yêu thích. Nhiều người ở xa như chợ Bà Chiểu, đại học Văn Lang, quận Tân Bình,...cũng tìm đến hàng bánh mì của dì để thưởng thức những ổ bánh mì ngon miệng và độc đáo.
Theo chia sẻ từ một khách quen đã ăn hơn 5-6 năm thì bánh mì được nêm nêm nếm vừa ăn, khi nhai không hề cảm thấy có xương cá, gây khó chịu trong miệng. Đối với dì Oanh, buôn bán tuy vất vả nhưng dì chưa bao giờ muốn từ bỏ và luôn cảm thấy vui vẻ với nghề này, cũng chính nhờ vào nó mà dì đã có thể nuôi dạy con đầy đủ và cho con học xong Đại học.