![]() |
Hiện thị trường Trung Quốc đang khát hàng, sẵn sàng tạo “luồng xanh” cho sầu riêng Việt Nam. |
Hàng chục container sầu riêng bị trả về
Một thông tin không mấy vui vẻ khi những lô hàng sầu riêng vừa cập cửa khẩu thì đã có 18 xe container sầu riêng không đủ tiêu chuẩn phải quay đầu.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), cho biết trong thời gian vừa qua đã ghi nhận 18 xe container sầu riêng của các doanh nghiệp tập kết ở Lạng Sơn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các doanh nghiệp này chưa chính thức đăng ký làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhưng theo nội dung giấy ủy quyền cung cấp thì phát hiện chưa đủ điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 có hướng dẫn lại để doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
![]() |
Việt Nam và Trung Quốc phối hợp kiểm tra rất nghiêm ngặt việc xuất khẩu sầu riêng. |
Cụ thể, các lô hàng này ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đều thuộc tỉnh Tiền Giang, vừa qua đã được phía Trung Quốc phê duyệt. Phía doanh nghiệp được ủy quyền xuất khẩu có địa chỉ tại H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Khi kiểm tra và xác minh, đơn vị sở hữu mã số vùng trồng khẳng định chưa có ủy quyền sử dụng các mã số để làm thủ tục xuất khẩu. Thực tế ở những vườn này, sầu riêng chưa ra trái hoặc đang có trái non chưa đủ ngày để thu hoạch.
“Các doanh nghiệp này muốn chuyển hàng đi thẳng nhưng không đáp ứng được yêu cầu theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc nên chúng tôi đã đề nghị doanh nghiệp đưa hàng về tiêu thụ trong thị trường nội địa và đến nay các xe hàng này không còn tồn đọng ở Lạng Sơn”, bà Hà nói.
Hai bên phối hợp kiểm soát rất chặt chẽ, rất khó để gian lận
Bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, để quả sầu riêng được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc phải mất tới 4 năm đàm phán với rất nhiều khó khăn, đặc biệt phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy định kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc.
Quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam phải được trồng và đóng gói ở các nhà vườn, cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã số để truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở này, khi lên cửa khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật sẽ rà soát lại toàn bộ giấy tờ của lô hàng nếu tuân thủ đầy đủ các quy định thì lô hàng sẽ được cấp chứng thư kiểm dịch thực vật để xuất khẩu.
Khi xe sầu riêng đi qua cửa khẩu, phía Trung Quốc tiếp tục kiểm tra, nếu trùng khớp các thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, có chứng thư kiểm dịch thực vật… thì mới được vào thị trường Trung Quốc.
“Trung Quốc họ làm rất chặt, mình cũng không thể nhân nhượng được. Chúng tôi sẽ rà soát chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không để xảy ra các hành vi giả mạo, gian lận trong xuất khẩu sầu riêng”, bà Hà nói.
![]() |
Doanh nghiệp có thể làm kiểm dịch thực vật sầu riêng tại nơi đóng gói. |
Cũng theo bà Hà, đối với thủ tục kiểm dịch thực vật, không nhất thiết phải làm tại cửa khẩu. Doanh nghiệp có thể làm kiểm dịch thực vật tại nơi đóng gói. Nhưng thông thường để thuận tiện nhất, doanh nghiệp chọn làm kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, khi có sai lệch thông tin sẽ dễ dàng chỉnh sửa và hoàn thiện.
“Theo quy định, thời gian làm kiểm dịch thực vật đối với mỗi lô hàng không quá 4 giờ nhưng đối với sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc đã phải làm chuẩn từ vườn trồng, cơ sở đóng gói nên khả năng rủi ro về sinh vật gây hại trên các lô hàng sẽ không nhiều nên sẽ rất nhanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, bà Hà nói.
Thị trường Trung Quốc cháy hàng, sẵn sàng mở luồng xanh
Các doanh nghiệp Trung Quốc rất nóng lòng để nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Cán bộ đại sứ quán đã gọi điện cho Cục Bảo vệ thực vật để trao đổi, sẵn sàng có cơ chế mở luồng xanh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.
Đó là chia sẻ từ ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tại hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 50 mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp cùng được kiểm tra đợt này nhưng chưa được phê duyệt, phải tiếp tục bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng đã ký giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT nước ta, 2 điều kiện cơ bản nhất để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc là phải có mã số vùng trồng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật chứng nhận (Bộ NN-PTNT). Sầu riêng phải được kiểm dịch thực vật đảm bảo không còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
![]() |
Trung Quốc sẵn sàng có cơ chế mở luồng xanh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho biết từ nay đến cuối năm 2022, Việt Nam sẽ có 26 mã số vùng trồng cho thu hoạch sầu riêng xuất khẩu, sản lượng dự kiến khoảng 13.000 - 14.000 tấn/tháng.
Hiện nay, tổng diện tích sầu riêng của 51 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt chỉ có hơn 3.000 ha, chiếm hơn 3% tổng diện tích cả nước. Trong khi đó, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất lớn trái sầu riêng từ Việt Nam. Theo các cơ sở đóng gói, họ đã có hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng để xuất khẩu được thuận lợi, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện của phía Trung Quốc đã quy định trong Nghị định thư.
Còn về phía Trung Quốc, các doanh nghiệp của họ cũng đang nóng lòng muốn nhập khẩu quả sầu riêng từ Việt Nam.
“Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam trực tiếp gọi điện cho tôi để trao đổi, phía Trung Quốc sẵn sàng mở luồng xanh cho một số trái cây Việt Nam, trong đó có trái sầu riêng, tạo điều kiện thuận lợi để xuất nhập khẩu, nên các doanh nghiêp không quá lo lắng”, ông Trung nói./.