Sầu riêng được vệ sinh sạch sẽ trước khi xuất khẩu. Ảnh: BT |
Sầu riêng Việt Nam tăng vọt cả diện tích và năng suất
Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 674.444 tấn, tăng 13% so với năm 2020; diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 85.000 ha, tăng 16% so với năm trước đó. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.
Theo đánh giá, sầu riêng Việt Nam có thời vụ thu hoạch dài, sản lượng đạt 600 nghìn tấn/năm, quãng đường vận chuyển ngắn, giá thành thấp. Sau khi được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có thể giúp người tiêu dùng nước này mua được sầu riêng nhập khẩu với giá cả hợp lý hơn. Có thể thấy, việc xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sầu riêng tươi nguyên trái sang Trung Quốc là một hướng đi mới, bền vững cho ngành hàng trái cây nói riêng và sầu riêng nói chung.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. |
Những cảnh báo về hệ lụy nhãn tiền
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, để xuất khẩu sầu riêng cũng như các mặt hàng nông sản khác một cách bền vững, thì cần phải tạo ra hệ sinh thái ngành hàng, liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, như dân gian từng có câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đó là lời thông điệp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn gửi gắm đến các “mắt xích” tham gia trong chuỗi giá trị của ngành hàng sầu riêng.
Theo đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.
việc xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sầu riêng tươi nguyên trái sang Trung Quốc là một hướng đi mới, bền vững. |
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra của cơ quan chức năng Trung Quốc vừa qua, vẫn có những đơn vị chưa bám sát thực tế dẫn đến việc:
Chưa thông tin chính xác về tình hình sản xuất;
Chưa thực hiện chương trình giám sát dư lượng trên sầu riêng một cách bài bản.
Vườn trồng sầu riêng: chưa có biện pháp giám sát sinh vật gây hại, chưa ghi chép đầy đủ tình hình sinh vật gây hại, vệ sinh vườn chưa đảm bảo, không thực hiện giám sát dư lượng, chưa có kho hóa chất, thu hoạch không đảm bảo vê sinh, nhân sự chưa được tập huấn…
Nhà đóng gói: có cơ sở chưa có vườn trồng liên kết; nhà xưởng không đảm bảo phân khu, vệ sinh; biện pháp làm sạch sinh vật gây hại chưa phù hợp. Nhân sự chưa được tập huấn, thiếu quy trình, vật liệu đóng gói không đạt, chưa ghi chép hồ sơ đầy đủ…
Bởi vậy, đợt kiểm tra vừa qua có 5 tỉnh chưa có mã số vùng trồng được phê duyệt là An Giang, Gia Lai, Đăk Nông, Vĩnh Long, và Sóc Trăng.
Trước thực trạng đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo:
Các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: tiếp tục hướng dẫn các vùng trồng và cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt. Đồng thời, các đơn vị kiểm dịch thực vật cần phải kiểm soát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại cửa khẩu đảm bảo các lô hàng xuất khẩu tuân thủ đúng quy định của Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý địa phương: cần tiếp tục bám sát, đồng hành cùng các vườn trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh; cập nhật và cung cấp những quy định mới nhất liên quan đến sầu riêng.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật: xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, đào tạo họ thành lực lượng nòng cốt trong giám sát, thiết lập vùng trồng theo yêu cầu của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu: cần phối hợp với các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc, phải luôn duy trì việc đáp ứng về giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.
Các vùng trồng sầu riêng: cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp cho việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác, nhất là ruồi đục quả.
Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao. Đó là mục tiêu mà hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững đối với ngành sầu riêng cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên./.