Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn tăng cao. |
Các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên khắp cả nước
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn tăng cao cũng làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc rượu trên khắp cả nước.
Mới đây, theo ghi nhận của Sở Y tế Quảng ninh, vào khoảng 11 giờ ngày 9-1, tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, một nhóm gồm 6 người đàn ông ngồi ăn cơm và uống rượu. Sau khi uống hết khoảng 1 lít rượu trắng mua từ quán địa phương, 5 người còn lại tiếp tục uống thêm rượu ngâm với rễ cây rừng.
Khoảng 13 giờ cùng ngày, ngoại trừ một người không uống rượu ngâm, 5 người còn lại xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, ngứa, nặng mi mắt, hoa mắt, buồn ngủ và mệt mỏi. Cả 5 người được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Đông Triều. Tuy nhiên, một người trong số họ đã tử vong vào chiều cùng ngày.
Trước đó, vào ngày 27-12-2024, một vụ ngộ độc rượu cũng đã xảy ra tại cửa hàng bán bánh canh cá lóc trên địa bàn phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả 4 nạn nhân đều bị ngộ độc methanol. Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh đã lấy 10 mẫu rượu từ 5 cơ sở buôn bán kinh doanh rượu và rượu thu được tại nơi lưu trú của các nạn nhân để kiểm nghiệm methanol và acetonitrile; 4 mẫu huyết thanh và huyết tương của các bệnh nhân lấy từ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm nghiệm methanol. Kết quả, có 3 mẫu rượu phát hiện methanol vượt rất nhiều lần hàm lượng methanol cho phép trong rượu. Cụ thể, mẫu rượu trắng tại quán bánh canh cá lóc trên có kết quả xét nghiệm cao gấp 2.353 lần mức cho phép; mẫu rượu trắng tại hộ kinh doanh tạp hóa (nơi các nạn nhân mua rượu) cao gấp 300 lần cho phép; mẫu rượu màu tại nhà một nạn nhân cao gấp 411 lần mức cho phép.
Trước đó, chiều 24-12-2024, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về kết quả điều tra, giám sát, xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Nguyên nhân vụ ngộ độc được kết luận là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng mang ở bên ngoài vào bữa tiệc liên hoan cuối năm. Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính. Kết hợp với bệnh cảnh của bệnh nhân, các bác sĩ nhận định nạn nhân bị ngộ độc acetonitrile.
Các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên khắp cả nước. |
Uống rượu gì dễ ngộ độc?
Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân của ngộ độc rượu thường do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.
Ngộ độc rượu có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau một thời gian từ khi uống, tùy theo mức độ ngộ độc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và khó thở. Trong trường hợp nặng, ngộ độc có thể khiến người bị hôn mê hoặc mất ý thức.
Uống một lượng lớn rượu trong thời gian ngắn khiến cơ thể không kịp đào thải cồn, dẫn đến tình trạng say rượu cấp tính với các triệu chứng nguy hiểm như rối loạn ý thức và khó thở. Trong khi đó, rượu giả hoặc rượu kém chất lượng có thể chứa methanol (cồn công nghiệp) hoặc các chất độc hại khác, gây ngộ độc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gan, thận và hệ thần kinh.
Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả. Sau khi đi vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa từ đó tạo thành chất gây ngộ độc. Việc uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, rượu thủ công thường được pha trộn với methanol để tăng nồng độ cồn và giảm chi phí sản xuất.
Không nên sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ. |
Rượu “nhà nấu” lại là nơi mang nhiều nguy cơ?
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến sử dụng các sản phẩm rượu làm nhiều người phải nhập viện điều trị. Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu và cảnh báo cộng đồng nhất là trong giai đoạn chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 3253/ATTP-NĐTT đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng Ngành Công Thương tại các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.
Nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã đẩy mạnh giám sát, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc nguyên liệu sản xuất rượu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm nói chung và các loại rượu nói riêng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. |
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.