Không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng dịp Tết Nguyên đán 2025 Hà Nội sẵn sàng nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Giảm giá hàng Tết kéo sức mua cuối năm |
Bình ổn giá hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ Ảnh Đình Hoà |
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định
Tại các siêu thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội, không khí Tết đã ngập tràn với những kệ hàng đầy ắp. Công tác chuẩn bị được triển khai từ nhiều tháng trước và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong những ngày cận Tết.
Ông Phạm Thế Chiến - Giám đốc Siêu thị WinMart Royal City chia sẻ: “Để chuẩn bị cho kỳ Tết này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước Tết 2-3 tháng, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để tối ưu nguồn hàng hóa, lên đến 20% dự trữ. Đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như bánh kẹo, thực phẩm tươi sống. Qua đó chuẩn đảm bảo được nguồn cung. Về mặt vận hành, chúng tôi tối ưu hóa nhờ áp dụng công nghệ AI, nhập - xuất tồn để tránh lãng phí, giảm được chi phí không cần thiết để đảm bảo giá không bị biến động so với mọi năm.”
Sở Công Thương Hà Nội từ sớm đã chủ động ban hành kế hoạch nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Kế hoạch này bao gồm việc phối hợp với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, và chợ truyền thống để dự trữ hàng hóa với số lượng lớn, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay: “Dựa trên cơ sở nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi dự báo mức tiêu dùng cuối năm tăng cao do kỳ nghỉ lễ kéo dài. Sở Công Thương đã làm việc với các hệ thống để có sự chuẩn bị về số lượng, chủ động tham gia các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu, tìm kiếm các đối tác, nguồn cung cấp từ các địa phương trên cả nước để có dự trữ hàng hoá. Đảm bảo hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả ổn định và khuyến mãi nhiều hơn.”
Để phục vụ nhu cầu Tết của người dân Thủ đô, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng hóa với: hơn 298.300 tấn gạo, hơn 59.600 tấn thịt lợn hơi, hơn 19.800 tấn thịt gia cầm, cùng với đó là thịt bò, trứng gia cầm, rau củ, thủy sản, trái cây và bánh mứt kẹo.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp này đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng trước, trong và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…
Do các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ rất sớm nên đến nay, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM rất dồi dào, nhiều mặt hàng/nhóm hàng được bình ổn giá.
Hiện đã vào cao điểm 2 tuần trước Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tăng cường nhân lực, công suất phục vụ, không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng hoặc ùn ứ khách hàng khi mua sắm. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng… đã có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1.
Riêng Family Mart, GS25, Kingfood Mart... mở cửa xuyên Tết. Các doanh nghiệp cũng đã lên sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có.
Với tỉnh Bình Thuận, bên cạnh triển khai các hoạt động bình ổn giá, khuyến mãi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn đã dự trữ hàng hóa tết với nhiều mẫu mã, chủng loại.
Theo đó, các mặt hàng thiết yếu như: Gạo tẻ, gạo nếp, thịt gia súc, gia cầm, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì gói, rau củ quả, muối ăn, các loại gia vị... có giá bán bình ổn thấp hơn từ 5 - 10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo hàng hóa phục vụ tại thị trường các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và huyện Phú Quý. Để nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 dồi dào, giá cả ổn định, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều biện pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, mở các điểm bán hàng bình ổn thị trường, nhằm mang đến cho người dân một cái tết đủ đầy, đầm ấm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đối với tỉnh Long An, thời điểm này, người dân bắt đầu mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Các doanh nghiệp kinh doanh, nhà phân phối nhập về số lượng lớn hàng hóa và có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm tết.
Công ty (Cty) Cổ phần Thương mại Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường) hiện có cửa hàng bán lẻ và phân phối hàng hóa cho 800 khách hàng khu vực Đồng Tháp Mười.
Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa - Nguyễn Văn Bé Hai cho biết, giữa năm 2024, Cty đã đặt hàng hóa từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước với nhiều loại nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột giặt, nước chấm, đường, bột ngọt, bánh kẹo,…
Hiện Cty trữ kho hàng hóa khoảng 15 tỉ đồng, riêng nguồn hàng phân phối cho đại lý khoảng 30 tỉ đồng/tháng. Lượng hàng hóa dự trữ phục vụ mùa tết năm nay không thấp so với năm 2024.
Theo nhận định cũng như phản hồi từ đại lý, sức mua của người dân bắt đầu tăng từ ngày 20/12/2024 và duy trì cho đến những ngày cận Tết Nguyên đán. Do có sự chuẩn bị khá chu đáo, mặc dù sức mua tăng nhưng Cty vẫn giữ giá bình ổn, tạo điều kiện cho người dân mua sắm đón tết.
Theo nhận định của Sở Công Thương, sản phẩm phục vụ tết năm nay phần lớn hướng về sự tiện ích, tính ứng dụng cao của sản phẩm và sự đa dạng về truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó, tại các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, siêu thị, cửa hàng bán lẻ có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng tháng Tết
Không khí Tết ngập tràn các siêu thị ở Hà Nội. Ảnh Thế Đoàn |
Hàng hoá dồi dào, tuy nhiên, sức mua thị trường vẫn còn khá chậm so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Trước thực tế đó, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, bằng nhiều hình thức như Shopping Season, khuyến mãi hàng hiệu, khuyến mãi tập trung… Gần đây, chương trình bán hàng lưu động quy mô tập trung do Sở Công Thương phối hợp với một số đơn vị tổ chức đã mang hơn 500 mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, nhiều mặt hàng được bán giảm giá đến 80%, mua 1 tặng 1… đến với người tiêu dùng 7 quận, huyện. Những mặt hàng tham gia chương trình cũng được ban tổ chức chọn lựa theo tiêu chí bảo đảm chất lượng, an toàn sức khỏe, giá cả phù hợp với thu nhập của công nhân, người lao động.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn vận động các đơn vị bán lẻ đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp sản xuất trong nước để bảo đảm nguồn cung ổn định, giá hợp lý. Đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá đặc biệt cho hàng Việt; thiết kế gói quà Tết thuần Việt, ưu tiên sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; tăng cường bán hàng lưu động đến các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Những ngày cận Tết, doanh nghiệp sẽ phối hợp với các hệ thống phân phối thực hiện thêm nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, quần áo...
Tại Hà Nội, để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội lên phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá, trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…
“Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP.Hà Nội đã làm việc với các kênh phân phối để nắm bắt nhu cầu cũng như nguồn hàng, khả năng đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp Tết...”, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Thị trường hàng Tết nhộn nhịp, thực phẩm tươi sống, đồ khô tăng giá |
Cận Tết, bưởi thỏi vàng, bưởi tiến vua giảm giá mạnh |
Mùng 2 Tết, nhiều siêu thị, chợ dân sinh mở cửa trở lại |