Vì sao giữa tâm bão số 3 lại hửng nắng? Bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng tại Bắc Trung Bộ: Hơn 107.000 ha lúa ngập úng |
![]() |
Chiều tối 22/7, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực Ninh Bình – Thanh Hoá, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. |
Mưa lớn, gió mạnh kéo dài gây thiệt hại nặng nề
Từ 7h hôm qua đến 13h hôm nay, hoàn lưu bão Wipha gây mưa lớn tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, nhiều nơi vượt 300 mm. Thanh Hóa là tâm điểm với lượng mưa cao nhất tại Nga Sơn 412 mm, Sầm Sơn 379 mm, Triệu Sơn 336 mm. Các trạm tại Ninh Bình như Hải Anh, Giao Linh, Tam Điệp cũng ghi nhận lượng mưa trên 260 mm.
Gió mạnh bắt đầu từ trưa hôm qua, kéo dài tới trưa nay tại khu vực ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trạm Tiên Yên (Quảng Ninh) ghi nhận gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 14. Các trạm khác như Cửa Ông cấp 10, giật cấp 12; Bãi Cháy cấp 8, giật cấp 10; Móng Cái cấp 7, giật cấp 9. Ở khu vực đồng bằng và ven biển như Thái Bình, Ba Lạt (Hưng Yên), Hòn Dấu (Hải Phòng) cũng ghi nhận sức gió cấp 7-8, giật cấp 9.
Thống kê bước đầu, 79 ngôi nhà ở Nghệ An bị tốc mái, hơn 107.000 ha lúa bị ngập, trong đó Ninh Bình chiếm tới hơn 74.000 ha. Nhiều sự cố đê điều đã được ghi nhận tại các địa phương như Đa Phúc (Hà Nội), Nghĩa Sơn (Ninh Bình) và Hoằng Châu (Thanh Hóa). Tính đến 17h hôm nay, gần 11.800 người dân đã được sơ tán, nhiều nhất tại Hải Phòng (gần 5.000 người), Ninh Bình (4.700 người), Thanh Hóa và Nghệ An khoảng 730 người do sạt lở và ngập lụt.
Vì sao bão duy trì cường độ suốt gần 9 tiếng sau khi đổ bộ?
19h25 tối nay, sau gần 9 giờ kể từ thời điểm đổ bộ vào khu vực Hưng Yên – Thanh Hóa, bão số 3 (Wipha) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia vẫn ghi nhận sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 tại Ninh Bình – Thanh Hóa. Lý giải hiện tượng bão giữ cường độ cao trong thời gian dài dù không mạnh, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTVQG) cho biết, do bão nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, được tiếp năng lượng và động lực nên duy trì được sức mạnh.
Ngoài ra, khi bão mới vào Biển Đông, lưỡi áp cao cận nhiệt đới chi phối hướng và tốc độ bão đã lấn mạnh vào, khiến bão di chuyển nhanh. Nhưng khi tiến gần vịnh Bắc Bộ, lưỡi áp cao này suy yếu, làm bão chậm lại. “Từ chiều tới giờ, bão di chuyển rất chậm, không lấn sâu vào đất liền nên cường độ được bảo lưu lâu hơn, gây gió mạnh kéo dài ở vùng ven biển”, ông Hưởng phân tích.
Nguy cơ thiên tai vẫn tiếp diễn do hoàn lưu bão và dải hội tụ nhiệt đới
Mặc dù bão đã suy yếu, nhưng hoàn lưu rộng và dải hội tụ nhiệt đới vẫn tiếp tục gây mưa diện rộng tại nhiều địa phương. Cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt là khu vực miền núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai và Sơn La. Dự báo trong những giờ tới, lượng mưa phổ biến ở Lào Cai, Sơn La, Hà Tĩnh là 20-40 mm, có nơi trên 70 mm; riêng tại Thanh Hóa, Nghệ An và Nam Phú Thọ có thể vượt 180 mm.
Tại các vùng biển, bão Wipha đã gây sóng cao 3,5 m tại Bạch Long Vĩ lúc 19h hôm qua; tại Cô Tô cao 2,5 m lúc 7h sáng nay. Mực nước dâng do bão ghi nhận được là 0,6 m tại Hòn Dấu (Hải Phòng) và 0,8 m tại Ba Lạt (Hưng Yên).
Tính từ đầu năm đến nay, Biển Đông đã xuất hiện 3 cơn bão, trong đó 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Dự báo từ nay đến tháng 10, Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 7 cơn bão, với ít nhất 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
![]() |
![]() |