Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm Nhìn lại năm Tân Sửu 2021: Chính phủ và những dấu ấn đặc biệt Về nơi cả làng nghề trồng hoa gặp toàn triệu phú, tỷ phú hoa giấy |
Làng Gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng trong cả nước. Làng gốm thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60km.
Theo sử sách ghi lại, ông tổ nghề của làng gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử sang Trung Quốc, tại đây ông đã học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước.
Các nghệ nhân đang trang trí hoa văn trên các sản phẩm gốm |
Làng gốm Phù Lãng ban đầu nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh,.. Trong 10 năm trở lại đây, làng nghề mới được phát triển để phù hợp hơn với thị hiếu thị trường. gốm Phù Lãng bắt đầu tập trung vào ba loại hình:
- Gốm dùng trong tín ngưỡng như: lư hương, đài thờ, đỉnh...
- Gốm gia dụng: lọ, bình, chum, vại, ống điếu...
- Gốm trang trí: bình, ấm hình thú, chậu hoa...
Hành trình đến với làng gốm Phù Lãng là đi từ Hà Nội bằng xe máy theo quốc lộ 5 rồi rẽ lên đường 1A mới. Tới bùng binh cầu vượt ở Bắc Ninh thì rẽ phải theo đường đi Phả Lại, tiếp đó bạn đi xuống một con đường làng nhỏ qua chợ Châu Cầu chừng 5 - 10 phút là tới.
Ngoài ra, du khách còn có thể đi xe bus số 54 từ Long Biên về thành phố Bắc Ninh rồi tiếp tục bắt xe Bắc Ninh - Sao Đỏ sẽ về qua làng gốm Phù Lãng.
Làng gốm Phù Lãng có lịch sử phát triển lâu đời |
Quy trình tạo ra sản phẩm từ gốm ở làng Phù Lãng
Nghệ nhân ở làng gốm Phù Lãng dùng đất sét có màu hồng nhạt, được luyện dẻo mịn qua nhiều công đoạn. Đất sét được tạo hình trên bàn xoay của người thợ thủ công và sử dụng phương pháp tạo hình là chuốt.
Hoạt động xung quanh bàn xoay có 3 người, một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay, và một người chạy ngoài. Có các sản phẩm nhỏ chỉ cần một người chuốt, một người vấn bàn xoay.
Làm gốm đòi hỏi nghệ nhân phải có nhiều kỹ thuật |
Tạo hình xong, sản phẩm được để cho se đến khi sờ tay không dính. Sau đó người thợ sẽ thúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, để cho ráo. Cuối cùng là ve và nạo rồi tráng một lớp men lên.
Chất liệu làm men tráng gồm có: tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định, rồi chế thành một chất lỏng.
Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, những sản phẩm đều có màu trắng đục.
Tráng men và phơi khô xong thì gốm được xếp cẩn thận vào lò nung. Người thợ phải xếp chậu nhỏ trong chậu to, hàng bé nằm trong hàng lớn để tiết kiệm không gian lò. Tổng thời gian đun lò là 12 giờ.
Người thổi hồn vào Gốm - Họa sĩ thiết kế Bùi Văn Huân
Họa sĩ thiết kế trên chất liệu gốm Bùi Văn Huân, hay còn gọi là Gốm Huân sinh năm 1990. Anh sinh ra trong một làng có truyền thống làm gốm, chính vì vậy trong anh cũng ấp ủ một đam mê sáng tạo các sản phẩm gốm của riêng mình.
Họa sĩ thiết kế Bùi Văn Huân |
Từ thuở nhỏ, anh Huân thường nặn các nhân vật nổi tiếng bằng gốm. Đôi bàn tay nặn gốm thời còn vụng về giờ đã khéo léo di chuyển mềm mại trên các tác phẩm gốm cùng kỹ thuật được tích lũy trong nhiều năm.
Sản phẩm từ kỹ thuật được tích lũy trong nhiều năm |
Để tiếp lửa cho đam mê, anh Huân theo học khoa Mỹ thuật truyền thống chuyên ngành gốm tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nghệ sĩ từng tham gia Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc năm 2014 tại Hà Nội và xuất sắc khi có 2 tác phẩm được tham gia và trưng bày trong triển lãm.
Bộ sản phẩm đá đồng văn |
Để truyền được những cảm nhận, suy nghĩ của mình trong từng ý tưởng làm gốm, anh Huân yêu thích việc được nặn gốm bằng đôi tay trần.
“Tạo ra cái khác họ, cái đặc trưng của riêng mình nhưng vẫn phải có tính ứng dụng trong đời sống” là kim chỉ nam giúp tôi ngày càng hoàn thiện tác phẩm của mình. Là người họa sĩ thiết kế gốm, với tôi đam mê được nặn gốm thôi là chưa đủ. Tôi còn khao khát được học hỏi, tìm tòi những cái mới lạ thông qua việc ngắm nhìn các tác phẩm gốm tại làng nghề, bảo tàng, triển lãm,.. đến mức mà “đi đâu cũng chỉ nghĩ đến ý tưởng làm gốm”, anh Huân chia sẻ.
Được biết, trong bộ sưu tập "Gia Đình Sen", anh Huân lấy ý tưởng từ bông hoa Sen, quốc hoa của Việt Nam, đại diện cho sự tinh khiết, thanh tao trong nghệ thuật Phật giáo. Bộ sưu tập “Gia Đình Sen“ với những dáng bình có hình dáng tự nhiên, phóng khoáng. Gốm Huân dựa trên hình tượng những đài sen được cách điệu để thể hiện tình yêu, sự quan tâm, âu yếm của đôi lứa thủ thỉ với nhau những câu chuyện đời.
Bộ sưu tập "Gia Đình Sen" |
Giá trị gia đình được thể hiện qua tác phẩm |
Khái niệm về gia đình được thể hiện xuyên suốt bộ sưu tập "Gia Đình Sen" là sự quan tâm, thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi mảnh ghép trong bộ sưu tập là một câu chuyện, có những cái nhìn quan tâm, âu yếm của cha mẹ luôn hướng về con cái và cả những cái nhìn tràn đầy sự yêu thương, biết ơn của con cái dành cho cha mẹ mình.
Lựa chọn hình dáng bông sen “tàn” là toàn bộ tâm ý của anh Bùi Văn Huân trong bộ sưu tập "Gia Đình Sen". Bông sen tàn vừa thể hiện sâu sắc về sự quan tâm, luôn hướng về con cái của các bậc cha mẹ đã quá tuổi “xế chiều” vừa thể hiện một góc khuất chưa từng được khai thác trong nghệ thuật làm gốm.
Tùy theo cảm quan và góc nhìn của mỗi người mà tác phẩm trong bộ sưu tập "Gia Đình Sen" lại được cảm nhận theo các cách khác nhau. Như những đường sóng nước đan xen khéo léo cùng hoa sen, dưới góc nhìn của người họa sĩ thiết kế Bùi Văn Huân thì đây là còn đường ốc đi trên đầm sen, đại diện cho những sóng gió là một gia đình đã luôn phải vượt qua. Gia đình luôn hướng về nhau dù gặp nhiều phong ba và trắc trở là giá trị cốt lõi của "Gia Đình Sen".
Bộ gốm "Gia Đình Sen" |
Hình tượng "bông sen tàn" là tâm ý của tác giả |
Xưởng gốm của anh Huân không chỉ là một không gian trưng bày gốm mà còn chứa đựng những câu chuyện, đam mê và tình yêu quê hương, nghệ thuật của người nghệ sĩ đã tỉ mỉ trên từng tác phẩm của mình.
Bắc Ninh: Tiêu hủy hơn 20.000 sản phẩm giả mạo |
Bắc Ninh: Phát hiện hơn 20 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu |
Bắc Ninh: Phát hiện hơn 40.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu |