Trong quan niệm dân gian, nhiều người nói rằng "1 con chim bồ câu bằng 9 con gà", quan niệm này rất phổ biến đối với mọi người.
Trong mắt của một số người, tác dụng của thịt chim bồ câu có nhiều dinh dưỡng hơn thịt gà, giúp nuôi dưỡng cơ thể và cải thiện sức khỏe. Vậy dinh dưỡng của thịt bồ câu là gì? Thực sự có tốt hơn thịt gà hay không?
Sự thật về giá trị dinh dưỡng của chim bồ câu
Chim bồ câu ngày nay được nuôi rất nhiều từ các trang trại cho đến hộ gia đình. Đây cũng là nguồn thực phẩm được nhiều người ưa chuộng trong chế biến món ăn hàng ngày và đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể.
Nói về giá trị dinh dưỡng của chim bồ câu, nhiều người cho rằng: “Một con chim bồ câu tốt như chín con gà”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia thì sự so sánh này lại chưa thật sự hợp lý.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, dù là chim câu hay gà và với bất kỳ thực phẩm nào khác cũng vậy, mỗi loại đều có những giá trị dinh dưỡng riêng. Có thể về chỉ số này có cao hơn, nhưng chỉ số khác lại giảm, điều quan trọng nhất đó là phải ăn uống điều độ, khoa học. Bởi không phải cứ nói thực phẩm này tốt và ăn thật nhiều là khỏe.
Đối với chim bồ câu và gà, cách chế biến được cho là bổ và nhiều người sử dụng nhất đó là nấu cháo hoặc hầm. Tuy nhiên, so sánh về giá trị dinh dưỡng khi sử dụng hai loại gia cầm trên trong các món này thì các chỉ số không chênh lệch nhau đáng kể.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một bát cháo chim bồ câu cung cấp giá trị dinh dưỡng bao gồm: Năng lượng 339 kcal; protein 17g; lipit 4,4g; glucid 25,3g; chất xơ 0,3g; vitaminA 58,4μg; beta-caroten 106μg; vitamin C 4,6mg; caxi 52,7mg; sắt 4,99mg; natri 280,8mg; kali 406,8 mg; kẽm 0,52mg; cholesterol 76mg.
Còn đối với một bát cháo gà sẽ có: Năng lương 225kcal; protein 9,8g; lipit 7,8g; glucid 28,8g; xơ 0,2g; vitaminA 41μg; beta-caroten 69μg; vitamin C 4mg; canxi 19mg; sắt 1,06mg; natri 1800mg; kali 161 mg; kẽm 1,09mg; cholesterol 28mg.
Còn nếu so sánh trên 100g thịt bồ câu với thịt gà, các chỉ số cũng không quá vượt trội giữa hai loại thịt này. Theo đó, trong 100g thịt gà có 19,3g protein và 9,4g mỡ. Còn với bồ câu lần lượt là 16,5g protein và 14,2g mỡ.
Các nguyên tố vi lượng khác thì thịt chim câu có cao hơn thịt gà, ví dụ như hàm lượng canxi trong thịt bồ câu là 30mg/100g, còn thịt gà là 9mg/100g; hàm lượng vitamin B2 của thịt bồ câu là 0,20mg/100g, thịt gà là 0,09 mg/100g, hàm lượng sắt của thịt bồ câu là 3,8 mg/100g, thịt gà là 1,4mg/100g.
Đứng về quan niệm đông y, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cho rằng, đúng là trong một số tài liệu xưa có viết về việc “1 con chim bồ câu tốt như 9 con gà”. Tuy nhiên, do ngày xưa chim bồ câu hiếm nên được coi là quý và bổ, còn thực chất không thể bổ đến mức bằng cả 9 con gà.
Ông Trung cho biết, trong đông y, thịt chim bồ câu vị ngọt, tính bình, hơi ấm không độc. Chúng có tác dụng bổ tim, gan, tỳ, phế, thận, kiện tỳ vị, ích khí huyết, trừ khử phong giải độc.
Tác dụng của thịt chim bồ câu
Dưỡng khí huyết
Thịt bồ câu chứa nhiều nguyên tố khoáng, đặc biệt là sắt, có thể được cơ thể hấp thu nhanh, có thể bổ sung sắt cho cơ thể, nâng cao chức năng tạo máu của cơ thể, có tác dụng phòng ngừa và cải thiện hiệu quả thiếu máu do thiếu sắt.
Nếu trong sinh hoạt hàng ngày khí huyết không đủ, cũng có thể ăn một ít chim bồ câu, chẳng hạn như dùng chim bồ câu nấu canh, có thể có tác dụng dưỡng khí bổ huyết rất tốt. Đặc biệt đối với những phụ nữ khí huyết hư nhược, ăn một ít thịt chim bồ câu đúng cách có thể cải thiện hiệu quả các chứng như hồi hộp, trống ngực, chóng mặt mệt mỏi do khí huyết hư gây ra.
Duy trì làn da khỏe đẹp
Thịt chim bồ câu chứa rất nhiều vitamin như vitamin A, vitamin B tổng hợp, vitamin E,... Những loại vitamin này có chức năng chống oxy hóa, có thể loại bỏ một số gốc tự do gây tổn hại tế bào da, làm chậm quá trình lão hóa da và cải thiện quá trình trao đổi chất của tế bào da.
Hơn nữa, protein và các thành phần khác có trong thịt chim bồ câu cũng đặc biệt phong phú, có thể cải thiện chức năng trao đổi chất và giải độc tổng thể, đồng thời có nhiều chức năng như chống lão hóa, loại bỏ tàn nhang và làm trắng da.
Cải thiện trí thông minh
Thịt chim bồ câu chứa rất nhiều lecithin, có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất nhanh chóng của các tế bào mô não và cải thiện chức năng của não.
Vì vậy, đối với trẻ em và thanh thiếu niên, ăn thịt chim bồ câu đúng cách có thể thúc đẩy sự phát triển bình thường của não bộ, nâng cao trí thông minh và trí nhớ. Đối với những người trung niên và cao tuổi, ăn thịt chim bồ câu đúng cách có thể ngăn ngừa sự lão hóa sớm của mô não, đồng thời có thể cải thiện trí nhớ kém và khó tập trung.
Nâng cao thể lực
Thịt bồ câu chứa nhiều canxi, đồng, sắt, protein và axit pantothenic. Nó không những có thể dưỡng khí dưỡng huyết, bổ trung bổ khí mà còn có tác dụng tán phong giải độc, bổ gan ích thận. Nó cũng có thể cải thiện chức năng của các cơ quan khác nhau và góp phần cải thiện khả năng miễn dịch.
Đối với những người có khả năng miễn dịch kém, cảm lạnh thường xuyên, ăn nhiều chim bồ câu có thể cải thiện sức khỏe của họ.
Thúc đẩy quá trình lành vết thương
Đối với người vừa trải qua phẫu thuật có thể thích hợp uống một ít canh chim bồ câu, không những có thể cải thiện tình trạng suy nhược sau khi ốm mà còn có thể thúc đẩy vết thương nhanh lành. Bởi vì thịt chim bồ câu chứa nhiều chondroitin, thành phần này không chỉ có thể duy trì sức khỏe của da mà còn đẩy nhanh quá trình tổng hợp protein trong cơ thể và thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương nhanh chóng.
Nhìn chung, chim bồ câu tuy là loại thực phẩm đặc biệt phổ biến nhưng đối với người đang sốt, nội hỏa mạnh thì tạm thời không nên ăn chim bồ câu, nếu không sẽ khiến cơ thể sinh ra nhiều nội nhiệt, từ đó làm trầm trọng thêm một số triệu chứng khó chịu.