Các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn. Ảnh Hoàng Hà |
Sáng 3/7, Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Lạm phát vẫn nằm trong vùng mục tiêu đề ra
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả… tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Tính tới cuối tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1 - 0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó.
Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo…
Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2024, CPI đã quay đầu giảm và xu hướng ổn định kéo dài hết tháng 4/2024 và đến tháng 6/2024. Các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông…
Nhận định về giá cả thị trường những tháng đầu năm, PGS,TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, lạm phát Việt Nam thời gian qua vẫn được kiểm soát trong mục tiêu. Sau 6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn đang nằm trong vùng mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư địa điều hành lạm phát cả năm so với mục tiêu Quốc hội đề ra không hề hẹp, và đây cũng là cơ hội để điều hành giá các hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý trong 6 tháng còn lại.
Áp lực từ tăng lương tới lạm phát là không quá lớn
Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024 (ngày 03/7/2024). |
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính lại cho rằng, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Đưa ra dự báo, TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý III/2024, khi các tác động từ đợt tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 giảm dần. Tính trung bình, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4%.
"Sẽ không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi"- ông Độ cho hay.
PGS-TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,7% - 4,2%. Lý do chính là bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi; Cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn thấp, chưa thực sự được phục hồi trong khi năng lực sản xuất để cung hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyên, chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì theo hướng chính sách tài khóa lỏng, kết hợp chính sách tiền tệ lỏng; Triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Ông Nguyên cũng nêu rõ, thị trường vàng và tỷ giá hối đoái còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5-2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, theo ông Minh, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. "Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi"- PGS-TS Nguyễn Bá Minh dự báo.
Nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm |
7 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm kéo CPI tháng 3 giảm 0,23% |
Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý! |