Giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh. |
Giá vàng trong nước tăng mạnh
Giá vàng các thương hiệu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng cao nhất lên tới 1 triệu đồng/lượng. Sáng 8/5, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đang niêm yết ở mức 85,3 triệu đồng/lượng mua vào và 87,5 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 1 triệu đồng ở cả 2 chiều.
Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 1 triệu đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 85,3 triệu đồng/lượng mua vào và 86,8 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 85,3 triệu đồng/lượng mua vào và 87,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1 triệu đồng chiều mua và 980.000 đồng chiều bán. Giá vàng miếng thương hiệu PNJ được điều chỉnh tăng 800.000 đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán lên lần lượt 85,1 triệu đồng/lượng và 87,4 triệu đồng/lượng.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 85,5 triệu đồng/lượng và 87,4 triệu đồng/lượng, tăng 1,15 triệu đồng chiều mua và 950.000 đồng chiều bán.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 85,4 triệu đồng/lượng và bán ra 87,4 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng chiều mua và 900.000 đồng chiều bán.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.314 USD/ounce, giảm 14 USD/ounce so với sáng qua.
Nhu cầu vàng toàn cầu tăng mạnh
Tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 3%. |
Báo cáo vừa công bố về xu hướng nhu cầu vàng quý I năm nay của Hội đồng vàng thế giới cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý I tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Trong đó, báo cáo chỉ ra riêng ở Việt Nam, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý I.
"Hoạt động mua vào liên tục và với khối lượng lớn của khối ngân hàng chính thống nhấn mạnh tầm quan trọng của vàng trong danh mục tài sản dự trữ quốc tế trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro gia tăng", báo cáo chỉ ra.
Tại Việt Nam, báo cáo cho biết nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam trong quý I vừa qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2015.
Bên cạnh đó, sau 4 phiên chào thầu với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC/phiên (tương đương 630 kg), nhà điều hành mới chỉ ghi nhận duy nhất 1 phiên bán thành công với khối lượng 3.400 lượng vàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục tiêu đấu thầu vàng miếng của NHNN là đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông, góp phần bình ổn cung cầu, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như thu hẹp chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Nhưng để ổn định giá vàng, NHNN phải tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải làm tốt chức năng đưa một lượng vàng lớn đổ vào thị trường. Đồng thời, phải có nhiều nhà kinh doanh vàng tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Theo ông Hiếu, thực tế lại cho thấy điều ngược lại, khi liên tiếp các phiên đấu thầu vừa qua, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với lượng vàng NHNN chào thầu.
“Thông thường, các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán để mua khối lượng vàng hợp lý với mức giá hấp dẫn, kỳ vọng bán ra có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu phải mua với số lượng lớn, theo quy định đấu thầu của NHNN tối thiểu là 1.400 lượng vàng, thì rủi ro sẽ kéo tới cho đơn vị mua vàng", TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Vị chuyên gia cũng cho biết chưa kể thời gian chờ nhận vàng, giao vàng và bán vàng sẽ kéo dài, trong khi giá vàng thế giới luôn biến động khó lường từng giây phút.
Ông Hiếu dự báo nếu nhà điều hành không có biện pháp giải quyết dứt điểm, thị trường vàng vẫn sẽ biến động mạnh, chênh lệch cao so với thế giới. Đặc biệt trong ngắn hạn, giá vàng sẽ còn tăng "rất nóng" trong bối cảnh Nghị định 24/2012 chưa được sửa đổi và sự can thiệp từ các cơ quan quản lý không giải quyết được nguồn cung cầu.
Vị chuyên gia kinh tế đánh giá vàng vẫn là kênh đầu tư hút tiền trong bối cảnh hiện nay. Với nhà đầu tư, lợi nhuận chỉ là một phần động cơ khiến họ xuống tiền. Thực tế chứng khoán biến động thất thường, bất động sản khó khăn và lãi suất tiền gửi thấp khiến nhà đầu tư dồn tiền vào vàng như kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản dễ dàng.
"Lợi nhuận của vàng hiện dao động khoảng 10%, cũng là mức sinh lời rất tốt", ông Hiếu nói thêm.