Thời gian qua, lực lượng chức năng tại các địa phương đã tăng cường ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Dù vậy, do lợi nhuận, nhiều cơ sở vẫn “cố tình” bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xử. Trong khi đó, người tiêu dùng phải đau đầu tìm cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tạp chí Thương hiệu& Sản phẩm đã có buổi trò chuyện với ông Vũ Huy Tùng, Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả tỉnh Bắc Ninh để làm rõ vấn đề này.
Lực lượng chức năng tại các địa phương đã tăng cường ra quân kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. |
Phóng viên (PV): Thưa ông, nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại như thế nào trước sự “xâm lăng” của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ?
Ông Vũ Huy Tùng: Vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường gần như chưa bao giờ hết nhức nhối. Đặc biệt là thời điểm cận Tết, khi mà lượng mua sắm tăng cao sẽ khó kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa cùng với đó các thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi.
Sản phẩm có thể bị làm làm giả, nhái ở nhiều khía cạnh. Ví như về thương hiệu, nhãn hiệu; hoặc chủng loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là phương thức kinh doanh sản phẩm hàng giả hàng nhái.
Có thể thấy rằng, hàng giả, hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại đối với 3 chủ thể. Với người tiêu dùng, họ không thể phân biệt được đâu là nguồn hàng chính thống và đâu là hàng lậu hoặc hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Với doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng, nhất là doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khi đó, họ bất an đối với môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam khi mà việc hàng giả quá nhiều ở thị trường nội địa. Đặc biệt, là thiệt hại rất lớn đối với thương hiệu và doanh nghiệp trong nước. Bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái và không nguồn gốc sẽ bào mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái cả về giá cả, chất lượng và thị phần.
PV: Vai trò của cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu sản phẩm hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Huy Tùng: Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn là nỗi lo của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thời gian qua, nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, nhái thương hiệu lớn đã được lực lượng công an và quản lý thị trường phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt gần như không đủ sức răn đe, vai trò trách nhiệm của chính quyền các địa phương, lực lượng quản lý thị trường – công an kinh tế tại địa phương còn rất thấp, đạo đức công vụ còn bị chi phối bởi những yếu tố khác nhau, kiểm soát thiếu minh bạch và làm không đến nơi đến chốn.
Thêm vào đó, sự thay đổi về thói quen và hành vi mua sắm với sự bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây cũng trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là kẽ hở ccho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, tinh vi và khó lường hơn cả về quy mô và địa bàn hoạt động.
Ngoài ra, quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội chính cũng là một điểm nghẽn. Quy định pháp luật về thu thuế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Theo đó, với các quy định hiện hành, rất khó xác định căn cứ tính thuế hoặc phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Từ đó, sẽ khó phân biệt một số loại thu nhập, nhất là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh trong kinh tế số.
Khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền do người mua và người bán tại Việt Nam vẫn chuộng thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng), hơn là sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chưa có cơ chế kịp thời chia sẻ thông tin, dữ liệu về tổ chức/cá nhân thiết lập, vận hành website/ứng dụng thương mại điện tử cho cơ quan quản lý thuế.
PV: Vậy Trung tâm có giải pháp gì giúp người tiêu dùng có thể nhận biết xuất xứ hàng hóa cũng như sản phẩm đạt chất lượng, thưa ông?
Ông Vũ Huy Tùng: Chúng tôi đã xây dựng đề án với các điểm bán hàng do trung tâm bảo trợ, để người tiêu dùng nhận biết và yên tâm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng như tính pháp lý của doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm đó sẽ nhận diện bằng tem chống hàng giả được bảo trợ từ trung tâm và nó chính là phương thức bảo hành, bảo lãnh sản phẩm uy tín nhất và có trách nhiệm nhất đối với khách hàng.
Đối với lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, chúng tôi tạo ra sân chơi bảo trợ cho các tiệm tạp hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thật, giá trị thật. Đề án được xây dựng với quy mô từ thành phố đến các huyện, thị, phường, xã và quy mô sẽ phù thuộc vào địa điểm đó. Trên cơ sở đề án sẽ tạo ra môi trường bán lẻ minh bạch, lành mạnh và đảm bảo an toàn từ nhà sản xuất đến các điểm phân phối bán lẻ. Với mô hình đó, chúng tôi đã thực hiện thí điểm được 5 địa điểm ở tỉnh Bắc Ninh từ cuối năm 2023. Hiện chúng tôi đang đề ra chiến lược phủ sóng đồng bộ khắp các tỉnh, thành phố trong 2 năm tới.
Trên thực tế chúng ta không thể chống hàng giả mà tạo ra giá trị hàng hóa thật. Chúng ta tuyên truyền và tạo ra những điểm tốt hơn, điểm khác biệt giúp người tiêu dùng tự nhận biết để là người tiêu dùng thông minh.
Ngoài ra, tất cả các sản phẩm được “bảo lãnh” từ trung tâm sẽ được dán tem của trung tâm và tối thiểu chúng tôi sẽ kiểm soát được 60% nguồn hàng của một cửa hàng trong hệ thống chúng tôi bảo trợ. Chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường sạch, một điểm nhấn mới cho thị trường bán lẻ, tạo ra giá trị cho xã hội công bằng và minh bạch.
PV: Vậy để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng cần làm gì để hạn chế nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thưa ông?
Ông Vũ Huy Tùng: Để không mua phải hàng giả, hàng nhái người người tiêu dùng cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Người tiêu dùng cũng cần kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp phát hiện sản phẩm, hàng hóa trên thị trường không đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan để được phát hiện, xử lý kịp thời.
Xin cảm ơn ông.