Loại tôm thường được nhiều thương lái bơm tạp chất là loại tôm sú, tôm càng, có kích thước lớn và giá cả cao. Những loại tôm có kích cỡ nhỏ thường không bị bơm tạp chất. Nếu chỉ nhận biết qua màu sắc, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch.
Cách phân biệt tôm bơm tạp chất
Để nhận biết tôm có bơm tạp chất hay không, người tiêu dùng cần chú ý đến các bộ phận sau:
Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống.
Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
Mặt sau của tôm đã bị bơm tạp chất.
Tôm bị bơm thường có mang cứng, thẳng đơ , phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
Tôm bơm thường có bị phù đầu, gai vểnh
Phần đầu và thân của tôm bị tiêm rất dễ bị tách rời nhau.
Ngoài ra, tôm bơm tạp chất khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Theo một thương lái chuyên cung cấp tôm tươi sống cho các quán nhậu, nếu người mua về chế biến thấy tôm bị teo lại đáng kể thì chắc chắn bị sử dụng chất tăng trọng.
Cách chọn tôm sạch
Theo nhiều thương lái, muốn chọn tôm sạch thì chỉ có 2 cách: Chọn tôm còn tươi sống và chọn tôm nhỏ.
Với loại tôm sống, nên chọn những con còn nhảy và còn đủ chân lẫn càng. Đây là cách an toàn nhất nếu người tiêu dùng muốn sử dụng tôm tươi ngon. Tuy nhiên, các loại tôm này thường có giá cao, khoảng từ 250.000 - 500.000/kg (đối với loại tôm sú và tôm càng có kích thước vừa phải).
Với tôm sống, nên chọn những con còn nhảy...
và đủ cả chân lẫn càng.
Mặt khác, nếu không đủ tiền mua tôm tươi sống, người tiêu dùng chỉ còn cách chọn các loại tôm nhỏ hơn, giá "mềm" hơn. Còn với các loại tôm đông lạnh, người tiêu dùng nên để ý các chi tiết như đầu, thân và đuôi tôm.
Khi mua tôm, người tiêu dùng nên cầm phần đầu và đuôi tôm kéo giãn ra. Nếu các khớp nối giữa các đốt tôm khít thì là tôm còn tươi, chưa bị ươn và không bị tiêm hóa chất. Nếu các khớp này giãn ra tức là tôm đã bị để đông lạnh quá lâu và khả năng bơm hóa chất là rất cao.
Với tôm sú, không chọn tôm đã chuyển sang màu hồng vì đó là tôm đã ươn. Với tôm he, ngoài đặc điểm còn sống, bạn nên chọn con nào vỏ có màu hồng trắng, mắt xanh đen. Riêng với tôm sắt, không chọn con có màu hồng đậm vì khi đó tôm đã cũ, không còn tươi ngon.
Về mặt cảm quan, khi mua bạn nên chọn những con tôm có vỏ sáng bóng, tươi tắn. Thịt trong gắn chặt vào vỏ.
Các tạp chất bị tiêm vào tôm
Hiện nay tạp chất chủ yếu được sử dụng để tăng trọng cho tôm là chất agar (một loại thạch) để bơm vào đầu tôm sau khi thu mua.
Agar được chế biến từ rau câu, về bản chất không độc hại nhưng việc bơm chất này vào tôm thường rất bẩn, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, bơm agar sẽ làm cho thịt tôm bị dập nát khiến chất lượng giảm.
Việc bơm agar nhằm tăng trọng lượng và kích cỡ của tôm. Những loại tôm vào khoảng từ 15-20 con tôm/kg sẽ bán giá cao hơn loại từ 20-25 con/kg.
Các tạp chất tăng trọng khi bơm vào tôm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thịt tôm như làm dập nát thịt và làm tăng nhanh quá trình tự phá hủy do tế bào cơ bị phá vỡ.
Khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.
Ngoài dùng agar, một số thương lái còn dùng a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)…
Để giữ được vẻ bề ngoài cho tôm tươi lâu hơn, nhiều thương lái còn dùng hàn the, diêm tiêu, ure… để ướp tôm.
Liên quan đến việc bơm tạp chất vào tôm, ngày 27/5 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với ông Võ Minh Hiệp (40 tuổi, ngụ ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn, Cà Mau).
Ông Hiệp bị phạt vi phạm hành chính vì có hành vi đưa tạp chất vào thủy sản là tôm sú nguyên liệu.
Theo hồ sơ vụ việc, nửa tháng trước, ông Hiệp bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, thuộc Cục QLTT tỉnh Cà Mau bắt quả tang tổ chức bơm tạp chất vào 280kg tôm sú nguyên liệu.
Ngay khi phát hiện, lực lượng làm nhiệm vụ đã lập biên bản vụ việc. Đồng thời, tịch thu 280kg tôm sú nguyên liệu là tang vật và tịch thu thiêu hủy 10 ống kim tiêm có dây, 1 thùng chứa tạp chất CMC.
Ngoài ra, vi phạm nói trên, ông Hiệp còn bị cơ quan chức năng xử phạt thêm 4 triệu đồng vì kinh doanh tôm sú nguyên liệu mà không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Tác hại khi ăn tôm bơm tạp chất
Theo các chuyên gia về thủy hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.
Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…
Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…
Hạ Vy