Nuôi chim trĩ, hướng làm kinh tế mới ở nhiều địa phương |
Chim trĩ là loài chim quí hiếm, được một số nông dân miền núi và vùng Đông Nam bộ nuôi nhiều trong vài ba năm trở lại đây. Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản khác tiêu thụ bấp bênh thì chim trĩ luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao. Hiện tại, một số nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đầu tư nuôi giống chim này.
Chim trĩ nuôi bình quân 8 tháng tuổi là có thể đẻ trứng. Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 – 80 trứng. Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng mà thường đẻ nhờ vào tổ chim khác. Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo, người nuôi thường dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim như cho ấp chung với gà hoặc ấp bằng máy ấp trứng. Việc ấp nở chim trĩ dễ dàng như ấp gà, vịt nên khả năng nhân rộng tổng đàn chim trĩ của các hộ nuôi là không mấy khó.
Với hiệu quả kinh tế khá cao, ngoài tiêu thụ như đặc sản tại các nhà hàng lớn, nhứt là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, thì chim trĩ còn là đối tượng chim cảnh được nhiều người yêu thích. Việc nhân nuôi chim trĩ là hướng chọn lựa nhiểu triển vọng. Song để đảm bảo hiệu quả đầu tư, bà con nông dân cũng nên tham khảo, nắm vững kỹ thuật nuôi cũng như tìm hiểu các qui định của Nhà nước về nhân nuôi động vật hoang dã, để việc sản xuất kinh doanh chim trĩ thuận lợi hơn sau này.
Lựa chọn nuôi chim trĩ để khởi nghiệp, anh Nghiệp Thế Vĩnh (SN1993, người Tày, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, Bình Phước) bước đầu cho thu nhập ổn định, mở ra hướng làm kinh tế mới cho thanh niên địa phương.
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định tại Công ty cổ phần thương mại Sữa Việt (TP. Hồ Chí Minh) với mức lương ổn định nhưng sau đó anh Vĩnh vẫn quyết định về quê đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi chim trĩ. Anh cho biết, năm 2017 qua tìm hiểu trên mạng, anh thấy loài chim trĩ có hình dáng và màu sắc rất đẹp, không chỉ nuôi lấy thịt, trứng mà còn làm cảnh. Trứng và thịt chim trĩ có hàm lượng dinh dưỡng cao và thị trường rất ưa chuộng nên anh quyết định khởi nghiệp từ loại chim này.
Để bắt đầu vào nghề, anh mua 4 con giống giá 2 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Theo anh Vĩnh, chim trĩ là vật nuôi mới, chưa có nhiều người nuôi ở địa phương. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng không nản, anh đến tham khảo mô hình nuôi chim trĩ thành công tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh và tham gia các nhóm, hội nuôi chim trên internet để tìm hiểu phương pháp làm chuồng trại đạt chuẩn cũng như quy trình chăm sóc chim trĩ.
Sau một thời gian anh nhận thấy, loài chim này có khả năng thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương. Chim trĩ có thể ăn cám, gạo, bắp, rau, củ và rất thích các loại trái cây. Xây dựng chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát là chim trĩ sinh sống và phát triển tốt.
Tủ ấp trứng do anh Vĩnh tự lắp ráp có công suất 1.200 trứng/lứa |
Trước những tín hiệu tích cực, năm 2020 anh đầu tư 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng khoảng 300m2. Anh Vĩnh cho biết: Chuồng nuôi chim trĩ khá đơn giản, chỉ cần xây vài chục mét vuông, lợp tôn để làm nơi đẻ trứng, tránh mưa gió và chim ngủ vào ban đêm. Xung quanh quây lưới B40 với diện tích khoảng 300m2 làm nơi để chim đi lại vào ban ngày. Phía trên giăng lưới để chim không bay ra ngoài.
Về chu kỳ chim trĩ đẻ trứng, theo anh Vĩnh kéo dài 8 tháng, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch mới kết thúc. Trong quãng thời gian này có một khoảng thời gian chim nghỉ đẻ. Còn thông thường cứ 2 ngày, con mái đẻ 1 quả nhưng cũng có con đẻ mỗi ngày 1 trứng; thời gian chim đẻ trứng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Sau thời gian này người nuôi chỉ việc vào chuồng nhặt trứng, gom lại vài ngày khi đủ số lượng của tủ ấp trứng thì cho vào ấp.
Sau 3 năm “gầy dựng” 4 chuồng trong trại nuôi chim trĩ trên diện tích khoảng 800m2, mỗi năm anh Vĩnh xuất khoảng 1.000 con chim trĩ (thương phẩm) cho nhà hàng, quán ăn khu vực TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và tỉnh Bình Dương. Với giá 180.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền công, cám, thuốc ngừa bệnh cho chim…, anh Vĩnh còn lời từ 80.000-100.000 đồng/con chim trĩ.
“Thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, là khá thấp so với công việc và mức sống ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng nếu so với mức sống ở vùng nông thôn thì đây là thu nhập khá, và mình được làm chủ bản thân. Hiện nay với số lượng trứng chim đẻ ngày càng nhiều, nhưng lượng chim thương phẩm vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường. Vì vậy tôi mới lắp thêm tủ ấp với công suất 1.200 trứng/lứa, và sẽ mở rộng thêm 4 chuồng mới với tổng diện tích khoảng 1.000m2 nhằm tăng thêm thu nhập”, anh Vĩnh nói.