Hà Nội bảo đảm 95% trẻ từ 6-9 tháng tuổi được tiêm vaccine sởi Vaccine sởi được khuyến cáo tiêm cho trẻ lúc mấy tháng là tốt nhất? Vaccine phòng sởi giá bao nhiêu tiền? |
Tăng cao ca mắc sởi, sốt phát ban
![]() |
Cháu bé mắc sởi đang được các bác sĩ theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi. |
Theo Sở Y tế TP. Huế, từ cuối năm 2024 đến nay, các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và sởi xác định trên địa bàn tăng cao, chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm 2025 ghi nhận 161 ca sốt phát ban. Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay ghi nhận 131 ca bệnh cho kết quả dương tính với sởi với 93 trẻ em và 38 người lớn (năm 2024 chỉ có 46 ca). Khoa Nhi Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Nhi là một trong những khoa đang điều trị nhiều ca sởi và sốt phát ban với trung bình 20 – 30 ca.
Triệu chứng của bệnh sởi sẽ thường bắt đầu từ 10 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Với các triệu chứng ban đầu thường kéo dài 4 – 7 ngày gồm: Sổ mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, các đốm trắng nhỏ bên trong má. Trong đó, phát ban là triệu chứng dễ nổi bật, dễ nhận thấy nhất. Phát ban bắt đầu khoảng 7 – 18 ngày sau khi tiếp xúc, thường ở mặt và cổ trên sau đó lan rộng trong khoảng 3 ngày, cuối cùng đến tay và chân, thường kéo dài 5 – 6 ngày trước khi mờ dần.
PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức, Phó trưởng Khoa Nhi Tiêu hóa – Tiết niệu – Bệnh nhiệt đới cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus sởi gây nên, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng nhưng chưa đủ mũi.
"Qua khám sàng lọc, chúng tôi tiếp nhận những ca bệnh nặng. Trường hợp sởi không biến chứng vẫn có thể điều trị tại cộng đồng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn nhiều, thở nhanh có dấu hiệu suy hô hấp mới nên nhập viện", PGS.TS Nguyễn Hữu Châu Đức khuyến cáo.
Đáng chú ý, ThS. BSCK II Nguyễn Đắc Lương, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, chưa đầy hai tháng, khoa tiếp nhận 5 ca sởi nặng, trong đó có 3 ca phải thở máy. Điển hình, một bệnh nhi từ Hà Tĩnh chuyển vào bị biến chứng viêm phổi, sau điều trị, sức khỏe đang tiến triển tốt. Ngoài ra, có một bệnh nhi ung thư máu nhập viện trong tình trạng suy hô hấp.
Tính từ 1/2 đến nay, có 35 ca cúm cho kết quả xét nghiệm dương tính: 20 ca cúm A, 15 ca cúm B. Trung tâm Nhi hiện điều trị 2 ca dương tính với cúm B đến từ TX Hương Trà và huyện Phú Lộc. Đáng chú ý, bệnh nhi Trần N.P.L.(SN 2022) ở TX. Hương Trà được Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 chuyển vào trong tình trạng viêm phổi, phải thở máy không xâm nhập; hiện đã giảm suy hô hấp và hết sốt.
Chủ động phòng bệnh bệnh sởi
![]() |
Khuyến cáo gia đình nên cho trẻ tiêm vaccine sởi mũi nhắc lại để tăng hiệu quả miễn dịch. |
ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nhi cho biết, sởi là bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp và có nhiều biến chứng nặng, các ca bệnh nặng cần phải nằm cách ly và theo dõi sát. Trong đó, sởi đặc biệt nguy hiểm với trẻ có bệnh nền bởi nguy cơ biến chứng cao, dễ gây tử vong. Trong đợt dịch này, nhiều trẻ mắc bệnh đến độ tuổi tiêm phòng hoặc không tiêm nhắc lại. Khuyến cáo gia đình nên cho trẻ tiêm vaccine sởi mũi nhắc lại để tăng hiệu quả miễn dịch.
Ngành y tế khuyến cáo, để phòng chống sởi hiệu quả, người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với trẻ nghi mắc sởi, giữ vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
Đối với trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học. Do bệnh sởi lây lan rất nhanh nên Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời tránh lây lan cho cộng đồng.
Tạo cho trẻ thói quen rửa thay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thói quen này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi trẻ tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có virus sởi. Bên cạnh đó, trẻ cần được tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên súc miệng và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý. Điều này giúp tăng đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tạo không gian sống thông thoáng, sạch sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh, từ đó, bảo vệ trẻ tốt hơn. Đối với các vật dụng cá nhân như chăn gối, ga trải giường… cần được giặt giũ định kỳ.
Sự lây lan của virus sởi có thể bắt đầu trước khi trẻ phát ban khoảng 4 ngày và kéo dài cho đến 4 ngày sau khi phát ban. Do vậy, để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ nhỏ, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang bị sởi hoặc đang có dấu hiệu mắc bệnh sởi.
Trường hợp bắt buộc, cần cho trẻ đeo khẩu trang kháng khuẩn trước khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và hạn chế thời gian tiếp xúc với người đang mắc bệnh/có nguy cơ mắc bệnh. Nếu trong gia đình đang có người mắc bệnh sởi, cần cách ly người bệnh với trẻ. Trẻ đang bị sởi nên cách ly tại nhà, thông báo cho nhà trường và tạm cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà nhằm hạn chế sự lây lan.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học giúp trẻ tăng đề kháng, phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Bên cạnh chế độ ăn có đủ bốn nhóm dưỡng chất thiết yếu (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất), bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, rau xanh… Khuyến khích trẻ uống nhiều nước (Oresol, nước lọc…), đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, trẻ cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và căng thẳng.