![]() |
Rễ và hạt là hai bộ phận chứa nhiều độc tố của cây đậu biếc 2 Những lưu ý khi dùng hoa đậu biếc |
Cây đậu biếc, tên khoa học là Clitoria ternatea. L – là loại cây thân thảo được ứng dụng từ lâu. Trước đây, người ta dùng trồng cây đậu biếc như một loại dược liệu cũng như thức ăn cho gia súc.
Trong y học cổ truyền của Ấn Độ, cây, hoa và quả đậu biếc được dùng để tăng cường chức năng nhận thức và làm giảm các triệu chứng của nhiều bệnh như: sốt, viêm, đau nhức và tiểu đường…
Thời gian qua, các bà nội trợ đặc biệt ưa chuộng hoa đậu biếc để nhuộm màu cho thực phẩm. Từ nấu cơm, nấu xôi, làm thạch, pha trà... người ta đều cho hoa đậu biếc để tạo ra màu sắc bắt mắt.
Nhiều người tin rằng việc sử dụng hoa đậu biếc để nhuộm màu thức ăn sẽ đảm bảo an toàn hơn so với việc sử dụng các loại màu thực phẩm.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng hoa đậu biếc cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu dùng sai cách.
2 bộ phận của cây đậu biếc chứa độc tố
![]() |
Hạt và rễ của cây đậu biếc chứa độc tố |
Thạc sĩ Lê Thanh Bình (Đại học Dược Hà Nội) cho biết bộ phận chứa chất độc của cây đậu biếc là hạt và rễ. Trong thành phần của hạt chứa các acid amin và một loại dầu độc dùng làm thuốc tẩy. Rễ có vị chát, đắng, chứa các chất có thể lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.
Đã có những ghi nhận các ca ngộ độc ăn hạt đậu biếc. Bởi hạt đậu biếc chứa khoảng 12% chất dầu có khả năng gây độc khi nhai nuốt phải. “Ngộ độc xảy ra ở trẻ em khi ăn phải nhiều hạt. Tác dụng kích thích niêm mạc tiêu hóa gây nôn mửa, tiêu chảy nặng. Nhà có trẻ nhỏ, trồng cây đậu biếc phải cẩn thận nhắc nhở trẻ không chơi, không ăn hạt đậu biếc để tránh ngộ độc”, Ths Bình cảnh báo.
Dù rễ và hạt cây đậu biếc có chứa độc nhưng tại một số quốc gia, rễ và hạt cây đậu biếc được dùng làm thuốc khi dùng đúng liều lượng sẽ có tác dụng giải nhiệt. Ví dụ ở Indonesia, nó được dùng trị bệnh lao phổi, đau ngực, ho và viêm lở ngoài da. Tại Philippine, người ta nghiền hạt pha thành thuốc gây xổ có hiệu quả nhanh, lá dùng đắp chữa mụn mủ ngoài da. Ở Ấn Độ, người ta còn dùng cây trị nọc rắn cắn.
Những lưu ý khi dùng hoa đậu biếc
![]() |
Người trưởng thành và khỏe mạnh chỉ nên uống trà hoa đậu biếc khoảng 1 - 2 ly mỗi ngày tương đương 5 - 10 bông và 1 - 2g hoa khô. Đối với trẻ em thì chỉ nên uống khoảng 4 bông hoa
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Hữu Minh chuyên khoa ngoại thần kinh ung bướu, trong hoa đậu biếc chứa nhiều chất anthocyanin có thể làm tăng lưu thông máu, co bóp tử cung nên hạn chế sử dụng đối với phụ nữ hành kinh, mang thai và một số bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền mạn tính.
Chỉ nên pha trà hoa đậu biếc ở nhiệt độ từ 75 - 90 độ C vì khi nhiệt độ quá cao sẽ ảnh hưởng đến vị trà và nếu quá nguội thì tinh chất trong trà sẽ không tiết ra được.
Trà hoa đậu biếc chỉ là thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.