Xã Tự Nhiên hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Đình Hạ - đình Thượng và khu Giá ngự. Đây là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.
Theo nghiên cứu Truyền thuyết kể về thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý, con vua Hùng Vương thứ 18 đã yêu, kết duyên với người con trai mồ côi, nghèo nhưng rất mực hiếu thảo bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội.
Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng”.
Hàng năm, xã Tự Nhiên đều tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng (từ ngày 29/3 đến 2/4 Âm lịch). Đặc biệt, lễ hội diễn ra những nghi thức mang tính biểu tượng, thể hiện rõ rệt sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống văn hóa của người dân với dòng sông Hồng - đó là nghi thức rước nước và rước kiệu.
Rước nước là một nghi lễ đi thuyền ra giữa sông Hồng, múc nước vào cái chum rồi đem về lễ thánh. Những người cao tuổi trong xã nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.
Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cờ quạt tàn, tán phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm.
Nhân dân trong và ngoài xã nô nức rước ngay từ Đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến tại bến sông, sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông.
Phần hội được mở rộng với các hoạt động phong phú như múa rồng, múa sinh tiền, diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.
Được biết, để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tín ngưỡng, chống các hoạt động mê tín, dị đoan; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội; đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19…, UBND xã đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 6/4/2023 về việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống xã Tự nhiên năm 2023; thành lập Ban tổ chức, Ban chỉ đạo và 10 tiểu ban liên quan trực tiếp điều hành, thực hiện các hoạt động tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ; các hàng quán, dịch vụ trò chơi xung quanh các khu vực diễn ra lễ hội cũng được Ban tổ chức đặc biệt lưu tâm.
Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm 2023 tại xã Tự Nhiên sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 18 - 20/5 (tức ngày 29/3 đến 2/4 Âm lịch). Trong đó, ngày 18/5 (tức ngày 29/3 Âm lịch) diễn ra nghi thức rước nước; Tại sân đình sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống. Ngày 19/5 (tức ngày 1/4 Âm lịch) là ngày chính hội với nghi thức khai mạc lễ hội được tổ chức cùng nhiều nghi lễ và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm và du thuyền trên sông Ngày 20/5 (tức ngày 2/4 Âm lịch) diễn ra các nghi thức tế lễ theo phong tục và bế mạc lễ hội. |