Quả trám đen trở thành đặc sản có giá trị cao của vùng quê Ninh Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh). |
Trám đen trước đây chỉ trồng để lấy gỗ, còn quả làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hằng ngày. Nhưng giờ đây quả này trở thành đặc sản có giá trị cao của vùng quê Hương Sơn (Hà Tĩnh). Xã Sơn Ninh được xem là “thủ phủ” trám đen, bởi nơi đây có hàng trăm hộ trồng trám, với số lượng từ 10 - 40 cây trong vườn. Thời điểm này, người dân đang vào mùa thu hoạch nên không khí luôn rộn ràng.
Trám được trồng ở các khu vực ngõ, vườn của người dân. Có những gốc tuổi đời hàng chục năm, thân cây hai người ôm không xuể. Để hái được quả trám, người dân phải trèo lên cao hàng chục mét. Vào mùa trám chín, anh Nguyễn Thành Luân (SN 1987, quê xã Sơn Phú, Hương Sơn) được thương lái thuê để hái loài “đặc sản” này. Để đảm bảo an toàn cho bản thân khi leo lên những cây trám cao hàng chục mét, anh Luân phải chuẩn bị đồ nghề cẩn thận.
Mùa trám chín thường kéo dài khoảng 2 tháng. |
Dụng cụ hái trám được làm từ cây tre hoặc nứa dài khoảng 10m, phía trên gắn thêm chiếc liềm. Khi trèo đến các cành cây, người hái đưa mắt kỹ nhìn những chùm trám đen che khuất phía sau lá.
Anh Luân chia sẻ: “Mùa trám chín thường kéo dài khoảng 2 tháng, mỗi ngày đi hái trám thuê, tôi có thể kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy vào số lượng cây phải leo. Tuy đây là nghề thời vụ nhưng đã đem đến cho tôi khoản thu nhập khá”.
Đang tất bật thu mua trám tại vườn ông Nguyễn Văn Thụ, chị Đặng Thị Khánh Ly (thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh) cho biết: "Trước đây, trám là loại quả chỉ quen thuộc với người dân ở vùng thôn quê, nay được người dân ở thành thị tìm mua để thưởng thức rất nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thương lái chúng tôi thường đặt cọc trước và ước tính khối lượng rồi mua cả cây, sau đó thuê người thu hoạch".
Nghề hái trám thuê khá vất vả nhưng cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày. |
Theo các hộ trồng trám, cây có tuổi đời càng cao thì sẽ càng sai quả, cây nào lắm quả có khi cho tới 1 tạ/cây. Bình quân, mỗi năm các hộ dân có thể thu về từ vài triệu đến vài chục triệu đồng từ trám, tùy vào số lượng cây, số quả. Những gốc trám có tuổi đời hàng chục năm cho thu hơn 3 tạ quả, có những gốc ít năm tuổi hơn thì 1,5 -2 tạ quả. Theo tiểu thương mua trám, có những gốc họ mua hàng chục triệu đồng vì quả nhiều.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (70 tuổi, xã Sơn Ninh) năm nay có khoảng 30 gốc trám đen cho thu hoạch, có những cây gần cả trăm năm tuổi, quả sum suê. “Trám đen là loại cây dễ trồng nhưng để cho quả thì cần phải mất gần 10 năm. Năm nay được mùa trám, giá bán lại cao hơn năm trước nên bà con chúng tôi rất phấn khởi. Ước tính năm nay tôi thu về 20 triệu đồng từ tiền bán quả”, ông Hùng nói.
Các em nhỏ cũng tranh thủ kỳ nghỉ hè để đi nhặt trám. |
Quả trám đen xưa là món ăn dân dã nhưng nay là đặc sản được người dân thành thị ưa thích. |
Quả trám hình thoi, khi chín có màu tím thẫm, cùi màu vàng, hạt nhọn hai đầu, nhân hạt trắng ngần. Giá trám hiện tại dao động từ 90-120 ngàn đồng/kg. Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như: trám om, trám muối, trám nhồi thịt... Dù giá khá cao nhưng đặc sản trám đen Hương Sơn luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Ninh, trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi Sơn Ninh, mỗi năm thu hoạch trong vòng khoảng 2 tháng, bắt bầu từ khoảng tháng 7 âm lịch. Trước đây, người dân ít để ý chăm bón, bởi trồng từ 5 - 6 năm mới cho thu hoạch. Bây giờ, trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa nên người dân tiếp tục ươm giống phát triển để cải thiện thu nhập gia đình. Hiện toàn xã có hơn 350 hộ trồng trám đen, mỗi hộ cho thu nhập từ 5 - 40 triệu đồng vào mùa thu hoạch./.